Tôi từng là học sinh trường chuyên ở tỉnh. Lúc còn học trường tôi không có đủ cơ sở vật chất như các thế hệ sau này. Tuy nhiên không khí học tập thì vẫn giống nhau.
Suy nghĩ "vào trường chuyên thì sẽ áp lực"... chỉ là suy nghĩ thiển cận mỗi người. Lúc là học sinh trường chuyên mỗi ngày tôi có thời gian học và chơi của đều được trường cân đối, học là học và chơi là chơi.
Lúc đó tôi học chuyên Lý, so với các trường THPT khác trong tỉnh thời điểm đó mà thậm chí bây giờ, giải một đề Lý khó thì học sinh phải thực giỏi, tuy nhiên với tôi và các bạn tôi học Lý thật dễ dàng, giải Lý thật dễ dàng, xin hỏi mọi người lý do vì đâu? Đừng nói là vì tụi tôi đã được lò luyện thi mà thực tế vì cách dạy và học ở đây.
>> 'Ngành giáo dục cần giáo viên giỏi hơn trường chuyên lớp chọn'
Chúng tôi được học những gì căn bản nhất của các môn như các công thức căn bản nhất của Lý, Hóa, Toán, Sinh rồi từ đó tự tìm tòi ra các cách tạo ra các công thức như trong giáo trình dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Vì vậy chúng tôi giỏi các môn trên là điều không thể tránh khỏi.
Chúng tôi cũng có học thêm một vài môn, tuy nhiên học sinh các trường khác cũng học thêm chung, cách dạy giáo viên vẫn vậy, tại sao chúng tôi học giỏi hơn? Đó là do tư duy của mỗi người, người kém thông minh hơn, học yếu hơn thì phải cần giáo viên dạy cơ bản để dễ hiểu, còn chúng tôi và các em học sinh chuyên hiện nay thì khác biệt hẳn.
Suốt ba năm cấp III, tôi không cần phải cầm quyển tập lên học bài khi ở nhà mà dành thời gian cho những việc khác, nhưng kết quả học tập các môn của tôi đều tốt. Đó là vấn đề ở cách dạy và học.
Nhìn kỳ thi THPT Quốc gia hàng năm có thể thấy rõ rằng tỷ lệ học sinh trường chuyên trúng tuyển vào các trường đại học danh giá của cả nước là cao hơn. Điều đó đã chứng minh lợi ích của trường chuyên.
>> Trường chuyên có là trụ cột giáo dục
Bây giờ có người đòi dẹp bỏ trường chuyên thì có điểm lợi gì? Những học sinh khác sẽ có cơ hội học chung với học sinh chuyên, các em đó và các học sinh các trường khác sẽ có cơ hội ngang nhau về chất lượng đào tạo. Nhưng hậu quả tất yếu sau đó là gì mọi người có nhận ra không?
Giáo viên sẽ không được dạy hết những điều họ tâm quyết, kiến thức nâng cao vì học sinh không thể hiểu và lãnh ngộ hết, rồi trong mỗi lớp học sẽ có sự phân tầng rõ rệt, giỏi ít, khá vừa vừa, nhiều nhất là trung bình vì nếu giáo viên ra đề thi tương xứng với năng lực học tập của các em chuyên thì các em còn lại không theo kịp. Mặc dù được dạy và học chung với nhau, nếu giáo viên ra đề thi quá dễ thì cả lớp ai cũng giỏi, đánh giá được gì?
Về học sinh, những em học giỏi thực thụ sẽ không có nhiều cơ hội được đào tạo nâng cao như bây giờ, những em yếu kém hơn thì kết quả học tập tệ hơn dù đã được cho học thêm, bạn bè giáo viên kèm cặp đủ điều vì kiến thức nâng cao các em đó theo không kịp.
Đào Trần
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.