Tôi rất đồng tình với tác giả bài viết "Cần cái tát của Will Smith cho hài nhảm". Từ lâu, tôi đã có những trăn trở (thực ra là bức xúc và đôi khi là giận dữ) với thói quen dùng những đặc điểm riêng, khiếm khuyết của một người ra để làm đề tài mua vui trong phim ảnh và giải trí ở Việt Nam. Vấn nạn "body shaming" lại càng độc hại hơn khi nó được nhắm vào những thành phần đã chịu nhiều bất công trong xã hội, chẳng hạn như phụ nữ, người không phải dị tính, người khuyết tật...
Tôi nhớ có lần, một nữ ca sĩ có tiếng trong nước đã bị một nam diễn viên đùa cợt là "ứng cử viên nặng ký nhất" trong một gameshow truyền hình, chỉ vì cô có dáng người không được mảnh mai cho lắm (nhấn mạnh vào cân nặng), kèm theo những tràng cười cợt nhả sau đó. Tôi rất phục nữ nghệ sĩ đó vì đã có thể giữ được bình tĩnh và khí khái để cười xòa cho qua chuyện, thay vì thể hiện thái độ ngay trên sóng truyền hình.
Hay như trong một đoạn hài kịch mà một nữ diễn viên đóng vai Tiểu Long Nữ đã bị bạn diễn gọi là "khủng long nữ" chỉ vì cô không có "vòng eo con kiến" (cho dù nếu tính theo tiêu chuẩn Mỹ, cô có thể bị xem là nhỏ con). Trong khi đó, nam diễn viên đóng vai Dương Quá cũng đâu có phải thân hình sáu múi hay vạm vỡ gì cho cam.
>> 'Dễ dãi với nghệ sĩ lệch chuẩn'
Tôi cho rằng, cần sớm bỏ đi những trò đùa khiếm nhã, rẻ tiền như vậy trên các sân khấu nghệ thuật và cả trên sóng truyền hình. Những hành động đó cũng như trò đùa mà Chris Rock đã làm ở Lễ trao giải Oscar cách đây ít lâu, đó là một dạng bạo lực lời nói, không thể không tránh khỏi gây cho cả nạn nhân lẫn người xem, người nghe bị tổn thương nghiêm trọng.
Ở Việt Nam, không khó thể nhận ra một số vở diễn, chương trình, thuộc nhiều thể loại, kênh phát, thể hiện quá đà, kém duyên và thiếu kiểm soát các mảng, miếng hài. Nhất là trào lưu (mà đến giờ vẫn chưa hết) giả gái của các nhân vật nam nhằm gây cười. Thực chất đó là tiếng cười lệch lạc đối với người chuyển giới, người đồng tính, hay người "crossdressing" (những người mặc trang phục ngược giới tính), và ngay cả phụ nữ.
Những chiêu trò (đa số với miêu tả tiêu cực) đó vừa gây tổn thương cho những nhóm người bị mang ra đùa cợt, vừa là sự xem nhẹ những thử thách mà họ bắt buộc gặp phải vì định kiến giới và các định kiến khác của xã hội. Nghệ thuật phải là cầu nối đến tâm hồn và là sợi dây liên kết nhiều tâm hồn với nhau. Nhưng tiếc rằng, vẫn có quá nhiều thứ nhảm nhí, mang danh nghệ thuật nhưng thật ra chỉ dẫn đến những hố sâu và đào thêm khoảng cách giữa người với người mà thôi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.