Một hoa hậu vừa lên tiếng xin lỗi khán giả vì quảng cáo một thực phẩm chức năng đã bị thu hồi giấy phép. Trước đó, hồi tháng 12/2020, người đẹp cùng một hoa hậu khác từng quảng cáo thực phẩm chức năng có thể bảo vệ sức khỏe, giảm cân. Trong video, cô cho biết lần đầu tiên được sử dụng một thực phẩm chức năng hiệu quả, chỉ sau ba tuần, các vùng trên cơ thể cô như nọng cằm, bắp tay, bụng, sau đùi giảm mỡ rõ rệt. Cô nói yên tâm dùng vì sản phẩm "được sản xuất theo quy trình được Bộ Y Tế công nhận là đạt chuẩn". Thực tế, tháng 6, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã thu hồi giấy phép đăng ký, giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm giảm cân này.
Trước đó, nhiều nghệ sĩ có tên tuổi khác cũng từng bị phát hiện và bị chỉ trích vì PR sản phẩm kém chất lượng hoặc sai sự thật. Một điểm chung trong tất cả các vụ việc nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai sự thật, kém chất lượng nêu trên đó là các nhân vật của công chúng sau đó đều chỉ xin lỗi một tiếng là xong, mà gần như không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào về những hậu quả mà hành động của mình gây ra.
Tất nhiên, pháp luật không hề cấm hoạt động review (đánh giá) sản phẩm trên mạng xã hội. Nhưng muốn đánh giá bất cứ sản phẩm nào thì bản thân người đó phải sử dụng, trải nghiệm qua mới có thể đưa ra nhận định chính xác, chân thức nhất. Thế nhưng trên thực tế, nhiều người nổi tiếng thậm chí còn không dùng nhưng vẫn sẵn sàng review, tâng bốc quá đà chất lượng và công dụng của sản phẩm, lợi dụng danh tiếng của mình để thuyết phục công chúng tin vào những sản phẩm kém chất lượng.
Nói một cách nào đó, đây chính là hành động gian dối với công chúng, người tiêu dùng, thể hiện sự yếu kém về tư duy nghề nghiệp. Một người nghệ sĩ chân chính sẽ luôn xem xét kỹ các chứng nhận về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và yêu cầu dùng thử sản phẩm trước khi nhận lời quảng cáo. Và khi đánh giá sản phẩm, họ cũng phải đưa ra nhận xét chân thực nhất trên phương diện một người dùng. Tiếc là không nhiều nghệ sĩ ngày nay có đủ tâm để làm được như vậy.
>> Nghệ sĩ bán hình tượng, công chúng mua bằng niềm tin
Tôi nghĩ rằng, đây là chuyện hoàn toàn có thể làm được nếu người nghệ sĩ thực sự có trách nhiệm với công chúng thay vì chỉ chạy theo đồng tiền. Chỉ cần kiểm tra các thông tin như mã số thuế, giấy phép kinh doanh, giấy phép quảng cáo, lịch sử hoạt động, các sai phạm, bê bối trong sản xuất kinh doanh; kiểm tra các phản hồi của khách hàng về sản phẩm; giấy tờ để chứng minh chất lượng sản phẩm... là nghệ sĩ đã có thể có được đánh giá ban đầu về việc có nên quảng cáo sản phẩm này cho công chúng hay không?
Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế, hoạt động quảng cáo sản phẩm của các nghệ sĩ ở Việt Nam hiện nay dường như vẫn bị thả nổi, thiếu hình thức quản lý, giám sát, kiểm định từ phía các cơ quan chức năng, khiến nhiều vụ việc lùm xùm liên quan đến PR sản phẩm kém chất lượng vẫn diễn ra như cơm bữa.
Vậy phải chăng pháp luật Việt Nam thiếu quy định về hoạt động này? Thực ra không hẳn vậy, Điều 13 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có quy định rất rõ rằng bên thứ ba phải "chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ".
Quy định hiện hành là thế, nhưng trên thực tế, việc xử phạt còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Influencer marketing, hay chiến lược marketing mà công ty nhờ những người có tầm ảnh hưởng quảng bá cho thương hiệu hoặc các sản phẩm dịch vụ của mình, là một ngành mới nở rộ trong khoảng vài năm trở lại đây nhưng phát triển rất nhanh, chủ yếu hoạt động trên mạng xã hội, thông qua các livestream, nên rất khó kiểm soát, và đôi khi luật cũng chưa kịp thích nghi, cập nhật theo xu thế từng ngày. Khi có bất cứ vụ việc gì xảy ra, người nổi tiếng chỉ cẩn một cú click chuột là xóa hết mọi bài đăng, video bằng chứng về hành động của mình, sau đó đưa ra một lời "xin lỗi" là xong chuyện. Cơ quan chức năng khi ấy rất khó để truy gốc xử lý.
Đây có lẽ là một kẽ hở trong luật định hiện hành, tạo cơ hội cho những nghệ sĩ, người nổi tiếng tận dụng để kiếm lời. Tất nhiên, ở đây tôi không nói tất cả các nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm kém chất lượng đều có động cơ trục lợi bất chính ngay từ đầu, nhiều người do thiếu hiểu biết nên vô tình PR quá đà, thổi phồng sự thật mà không lường trước được hậu quả xảy ra. Tuy nhiên, dù vô tình hay cố ý tiếp tay cho gian thương, tất cả những hành động trên đều phải bị xử lý thích đáng đều làm gương và chấn chỉnh cho hoạt động này.
Tôi cho rằng, đã đến lúc luật pháp phải siết chặt quy định kiểm soát, tăng hình thức xử phạt, quy trách nhiệm trực tiếp cho các nghệ sĩ có hành vi quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, thổi phồng giá trị công năng, để lập lại trật tự cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị sản phẩm trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, công chúng cũng cần tỉnh táo khi tiếp nhận các thông tin quảng cáo sản phẩm từ người nổi tiếng, kiên quyết tẩy chay các nghệ sĩ lợi dụng tầm ảnh hưởng để PR cho các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái...
Lời xin lỗi có thể đưa ra một cách dễ dàng, nhưng nó sẽ không bao giờ có thể sửa chữa được những hệ quả mà họ gây ra cho chính những người hâm mộ.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.