Trong các cuộc tranh luận sau hành động tát đồng nghiệp của Will Smith trên sân khấu lễ trao giải Oscar 2022, tôi thấy nhiều người lập luận rằng đây chỉ là trò đùa thôi, có gì phải ngại; rồi họ quay sang chỉ trích Will vì hành động dùng bạo lực này. Tất nhiên, quan điểm đó cũng có lý. Nhưng ở đây, có lẽ chỉ những ai đã và đang là nạn nhân của "body shaming" (miệt thị ngoại hình), mới hiểu hết cái cảm giác khi suốt ngày bị réo tên tuổi, mang hình ảnh cá nhân ra làm trò tiêu khiển kinh khủng tới cỡ nào?
Bản thân tôi cũng từng là nạn nhân của những trò đùa vô duyên, bêu rếu nhau như thế. Thực sự, với những người có thói quen lấy người khác ra làm trò cười, việc nhắc nhở nhẹ nhàng hầu như chẳng có tác dụng gì đủ lớn để khiến họ dừng mấy chiêu trò mà họ tự cho là thú vị đấy. Không nhiều người hiểu nạn nhân của những trò đùa vô duyên như vậy bị tra tấn về thể chất và tinh thần lớn như thế nào? Nhiều khi, chúng tôi không dám xuất hiện giữa chốn đông người, không dám dự tiệc tục, hội họp... chỉ vì sợ mình bị bêu rếu, bị lôi khiếm khuyết của cơ thể ra làm trò cười cho người khác.
Bạn có biết cảm giác suốt ngày bị chụp ảnh trộm những lúc mình xấu, hớ hênh rồi tung lên các hội nhóm trên mạng xã hội để "dìm hàng", cho mọi người cùng nhảy vào bình luận cười cợt, chê bai thế nào không? Tôi đã dùng nhiều cách nhẹ nhàng, lịch sự để nói chuyện với người đó, mong giải quyết được vấn đề, nhưng hoàn toàn không có tác dụng, thậm chí điều đó còn làm tăng thêm kích thích, hưng phấn cho những kẻ chuyên đi rình mò, châm chọc.
Tôi càng góp ý thì học lại càng nhắm vào tôi. Đến độ, tôi phải dọa sẽ đập điện thoại nếu còn tiếp tục bị làm phiền. Sau lần đó họ mới giảm bớt những hành động miệt thị, nhưng thỉnh thoảng vẫn làm mấy trò lén lút chụp trộm tôi và đăng lên nhóm chat để cười cợt với nhau.
>> 'Will Smith không thể nhân danh tình yêu để đánh người'
Ở nhiều quốc gia, nam giới hói đầu còn khó lấy vợ. Đằng này, một người phụ nữ - thuộc phái đẹp - mất đi mái tóc vì bệnh tật thì khi bị đem ra làm trò cười, họ sẽ thấy tự ti như thế nào? Đã vậy lại còn bị đùa cợt xoáy vào nỗi đau. Có người sợ không dám ra đường gặp ai, luôn suy nghĩ tiêu cực thậm chí tự tử vì cứ hay bị cười chê, châm chọc.
Mà ở đây, vợ của Will Smith còn là người nổi tiếng, có tiếng nói, tầm ảnh hưởng, nhưng vẫn còn bị đối xử như vậy. Thử hỏi, những con người thấp cổ bé họng lại mang trong mình khuyết điểm, đầy mặc cảm như tôi và nhiều người khác, còn cảm thấy thế nào?
Thực tế, việc chứng minh ảnh hưởng hay thiệt hại về tinh thần, vật chất từ các trò đùa, câu nói đùa dai, vô duyên, quá đáng không hề là chuyện đơn giản. Thế nên không nhiều người nghĩ đến chuyện gửi đơn trình báo hay kiện cáo. Ngay việc gửi đơn kiện cũng chưa chắc bạn đã được xem xét, thụ lý. Đừng nói gì đến nước Mỹ xa xôi - nơi các vấn đề xử lý pháp luật luôn rất tốn kém và đắt đỏ, ngay ở Việt Nam thôi, việc trình báo, theo các vụ kiện dân sự cũng kéo dài hàng năm, mất rất nhiều thời gian công sức, tiền bạc.
Tôi gặp rất nhiều trường hợp một người bị các bạn học, đồng nghiệp chụp ảnh lúc xấu, hớ hênh, như khoảnh khắc hở lợi, lau mũi, hay ảnh chụp trộm lúc tắm, thay quần áo... Những bức ảnh sau đó được chỉnh sửa cho thêm gay cấn, rồi đăng lên các hội nhóm cho người khác vào bình luận. Dù nạn nhân có nhắc nhở, cảnh cáo, thậm chí nhờ cả người can thiệp, nhưng vẫn đâu vào đấy. Kẻ miệt thị vẫn thản nhiên với những trò đùa độc ác của mình. Xin hỏi, trong những trường hợp như thế, nạn nhân phải hành động thế nào mới được xem là văn minh, cao thượng?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.