Thời gian gần đây, theo dõi trên showbiz, tôi thấy một số nghệ sĩ tuổi đời còn trẻ nhưng liên tục gây xôn xao dư luận bởi những lùm xùm đời tư. Họ khoe những món đồ hiệu, xe sang, cuộc sống giàu sang, check-in ở những nơi sang chảnh như resort, sân golf, biệt thự...
Nhiều người nổi tiếng vướng bê bối, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã có thể trở lại hoạt động bình thường, vẫn đi hát, đi diễn, chạy show, vẫn kiếm rất nhiều tiền.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, những người nổi tiếng vướng bê bối đời tư, có hành vi vi phạm pháp luật và trái đạo đức xã hội có thể bị cấm sóng vĩnh viễn, bị xóa hết hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, các bộ phim, các chương trình mà họ đã tham gia. Ví dụ như Ngô Diệc Phàm, Trịnh Sảng... ngay khi vừa dính bê bối đời tư đã bị cơ quan quản lý "phong sát", cấm sóng truyền hình và khán giả đồng loạt tẩy chay triệt để, không cho họ đường quay lại showbiz. Những người nổi tiếng đó đã phải trả giá bằng con số gấp trăm lần so với những gì họ nhận được trước đó.
Còn ở Việt Nam, chúng ta dường như vẫn còn quá dễ dãi, từ đơn vị quản lý nghệ sĩ lẫn khán giả, đều cho qua những bê bối của người nổi tiếng sau một thời gian sự việc bị chìm xuống. Mặc dù là những câu chuyện đời tư, nhưng với cương vị là một nghệ sĩ, người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội, vấn đề đạo đức cá nhân cần phải được đề cao hơn hết. Công chúng có quyền được lên án và được quyền yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc làm sáng tỏ những bê bối của nghệ sĩ. Khi đó, người có hành vi trái pháp luật và đạo đức xã hội sẽ phải chịu trách nhiệm.
>> Nghệ sĩ 'xin lỗi, thoát tội'
Một khi đã mang danh là người của công chúng, người nổi tiếng, các nghệ sĩ đều thể hiện đạo đức và xứng đáng với niềm tin của khán giả. Hãy chăm chỉ lao động nghệ thuật, nổi tiếng bằng các sản phẩm nghệ thuật, chứ không phải bằng các scandal tình ái, đời tư. Điều đó chỉ làm xấu đi hình ảnh của họ trong mắt công chúng. Khi đã trở thành người nổi tiếng, đòi hỏi mỗi người luôn phải có ý thức trau dồi nền tảng văn hóa nhất định, phải có trách nhiệm gìn giữ hình ảnh bản thân cả trong nghề nghiệp lẫn đời sống.
Có lẽ, Việt Nam cần có chế tài cấm sóng với những người nổi tiếng dính bê bối, có hành vi vi phạm pháp luật và trái đạo đức xã hội. Chúng ta không thể tiếp tay cho cái xấu để ảnh hưởng tới suy nghĩ, lối sống của cả thế hệ trẻ. Nếu chỉ im lặng một thời gian và cho qua, thì giới trẻ trong xã hội sẽ nghĩ rằng việc giàu lên không phải bằng công sức của mình là chuyện đáng được cổ súy và học tập. Họ sẽ nghĩ rằng chỉ cần cầm micro đã được gọi là ca sĩ, có một vài ca khúc "hot" là đã được phong thành "sao" và được sống trong giàu sang mà không cần lao động vất vả.
Việc dễ dàng có được mọi thứ mà một người bình thường có khi làm việc cả đời cũng không thể kiếm được, nhiều nghệ sĩ đang ảo tưởng về hào quang danh tiếng của mình. Họ cũng không cảm thấy sợ hãi khi làm những hành vi lệch chuẩn bởi chúng ta vẫn thiếu những chế tài quản lý và xử lý nghệ sĩ. Làng giải trí, nơi tôn vinh các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, cần có những biện pháp mạnh tay, kiên quyết loại bỏ những người như vậy. Hơn lúc nào hết, những người nổi tiếng cần phải ý thức hơn về trách nhiệm của mình đối với xã hội, cũng như đạo đức nghề nghiệp và lối sống mẫu mực.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.