"Trung Quốc đang tăng cường năng lực quân sự rất nhanh chóng và chúng tôi không chắc ý định của họ là gì", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói với tiểu ban quốc phòng và an ninh của Nghị viện châu Âu trong cuộc họp trực tuyến ngày 17/6. "Chúng tôi thực sự quan ngại điều này".
Lãnh đạo các nước NATO ngày 14/6 ra tuyên bố chung, khẳng định sự trỗi dậy của Trung Quốc mang đến "những thách thức có tính hệ thống".
Phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) phản đối tuyên bố chung của NATO và nói rằng nước này "cam kết thực hiện chính sách quốc phòng mang tính phòng thủ".
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang đầu tư rất lớn vào các nhóm tác chiến tàu sân bay, khí tài vốn được dùng để tấn công. Nước này cũng tăng cường phát triển lực lượng tên lửa chiến lược, phát triển oanh tạc cơ tầm xa và vũ khí siêu vượt âm.
Bộ trưởng Kishi nói với các nghị sĩ EU rằng chương trình tên lửa đạn đạo của Trung Quốc, quyết định tăng ngân sách quốc phòng lên gấp 4 lần so với Nhật Bản và hoạt động quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông của nước này cần phải được "giám sát một cách thận trọng để gìn giữ hòa bình".
"Họ đang tăng ngân sách quốc phòng ở mức khổng lồ. Cộng đồng quốc tế cần chung tiếng nói trong chính sách với Trung Quốc", Kishi nói, đồng thời kêu gọi Trung Quốc giải thích lý do nhanh chóng phát triển lực lượng không quân.
Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định không quân Trung Quốc là lực lượng lớn thứ ba thế giới. Dữ liệu của Mỹ cũng cho biết Trung Quốc sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với số chiến hạm mặt nước và tàu ngầm vượt Mỹ, cường quốc quân sự hàng đầu.
Trung Quốc đang sở hữu hơn 1.250 tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất với tầm bắn 500-5.500 km, xa hơn khí tài của Mỹ. Dữ liệu của Mỹ cho biết nước này không sở hữu tên lửa hành trình phóng từ mặt đất sau khi ký các thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Nga mà Trung Quốc không phải tuân thủ.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)