Khoản chi 6,75 tỷ USD được chính phủ Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đề xuất hôm nay là mức bổ sung ngân sách quốc phòng cao nhất từng được công bố. "Nhiệm vụ cấp bách là tăng tốc thực thi hàng loạt dự án trong bối cảnh môi trường an ninh quanh Nhật Bản đang xấu đi với tốc độ chưa từng thấy", Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết trong đề xuất chi tiêu.
Khoản chi này dự kiến được dùng để nâng cấp các khẩu đội tên lửa phòng không ở những đảo tiền tiêu ở biển Hoa Đông và hàng loạt tổ hợp tên lửa Patriot PAC-3, vốn được coi là lá chắn cuối cùng của Nhật Bản trước tên lửa Triều Tiên. Số tiền cũng giúp Tokyo nhanh chóng đặt mua thêm tên lửa chống ngầm, máy bay tuần thám biển và vận tải cơ.
Thông báo được đưa ra sau khi đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật Bản đặt mục tiêu tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP, gấp đôi mức 1% được áp dụng suốt hàng chục năm kể từ sau Thế chiến II. Chính phủ Nhật Bản trước đó đề xuất mức chi tiêu quốc phòng kỷ lục 49 tỷ USD cho năm tài khóa 2022. Khoản chi bổ sung sẽ khiến số tiền đầu tư vào quân sự của Tokyo tương đương 1,3% GDP.
Ngoài mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên, áp lực ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc lên Đài Loan cũng là lý do khiến Nhật Bản tăng cường chi tiêu quốc phòng. Nếu thu hồi được đảo Đài Loan, quân đội Trung Quốc có thể triển khai lực lượng cách lãnh thổ Nhật Bản chỉ 100 km và uy hiếp nhiều tuyến hàng hải thiết yếu với nước này, đồng thời đủ sức điều chuyển lực lượng ở khắp Tây Thái Bình Dương mà không bị cản trở.
Hoạt động của hải quân và hải cảnh Trung Quốc đang trở thành lo ngại an ninh hàng đầu với Nhật Bản. Bắc Kinh thường điều tàu hải cảnh áp sát nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Tokyo. Giới chức Nhật Bản cho biết tàu khảo sát của hải quân Trung Quốc có thời điểm xâm phạm lãnh hải nước này đêm 17/11, trong khi 4 tàu hải cảnh Trung Quốc cũng tiến vào vùng biển quanh nhóm Senkaku/Điếu Ngư sau đó hai ngày.
10 tàu chiến Nga và Trung Quốc tháng trước thực hiện đợt tuần tra chung đầu tiên ở Tây Thái Bình Dương, trong đó có chuyến đi qua eo biển Tsugaru nằm giữa đảo chính Honshu và Hokkaido của Nhật Bản, sau đó di chuyển trên vùng biển quốc tế vòng quanh nước này.
Vũ Anh (Theo Reuters)