Hải quân Nga và Trung Quốc ngày 18-21/10 tổ chức một đợt diễn tập chung, trong đó 10 chiến hạm băng qua một eo biển trọng yếu và di chuyển theo một vòng tròn bao quanh đảo chính của Nhật Bản. Nga và Trung Quốc tuyên bố cuộc diễn tập là biện pháp để "đảm bảo ổn định tình hình" trong một khu vực đầy biến động.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định đợt diễn tập này có khả năng tạo hiệu ứng ngược, có thể làm bùng phát căng thẳng trong khu vực và thúc đẩy chính phủ Nhật tăng chi tiêu quân sự để đối phó với các hành động của Trung Quốc.
Trong chuyến tuần tra chung đầu tiên của hải quân Nga và Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương, các chiến hạm của hai nước đi qua eo biển Tsugaru nằm giữa đảo Honshu và Hokkaido của Nhật Bản, sau đó vòng xuống bờ biển phía đông nước này rồi trở về Trung Quốc qua eo biển Osumi ngoài khơi đảo Kyushu.
Các eo biển Osumi và Tsugaru được coi là vùng biển quốc tế, song chúng cắt qua các khu vực trọng yếu của Nhật, buộc Tokyo phải triển khai lực lượng theo dõi chặt chẽ hoạt động của chiến hạm Nga - Trung. Trong thông cáo ngày 25/10, Bộ Quốc phòng Nhật Bản mô tả cuộc diễn tập nhiều ngày này là "hoạt động bất thường".
"Hoạt động trên củng cố nhận định của Nhật Bản rằng Trung Quốc nguy cơ gây ra mối đe dọa và nước này phải tăng chi tiêu quốc phòng để sẵn sàng đối phó", Drew Thompson, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ và giáo sư thỉnh giảng tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết.
Nhóm chiến hạm Nga - Trung Quốc gồm khu trục hạm, hộ vệ hạm, hộ vệ hạm cỡ nhỏ và tàu hậu cần. Quân đội Trung Quốc thông báo các chiến hạm rời đội hình trên biển Hoa Đông về nước ngày 23/10.
"Cuộc diễn tập giúp phát triển hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Trung trong kỷ nguyên mới, cải thiện hiệu quả năng lực phối hợp hoạt động của cả hai bên, có lợi cho việc cùng nhau duy trì ổn định chiến lược quốc tế và khu vực", phó tư lệnh hải quân Trung Quốc, thiếu tướng Bách Diệu Bình cho biết.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc tuần tra chung nhằm "giương cao lá cờ của Nga và Trung Quốc, duy trì hòa bình cùng ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và bảo vệ cơ sở hoạt động kinh tế trên biển của cả hai nước".
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản những năm qua tăng đột biến, trong bối cảnh Bắc Kinh triển khai các động thái nhằm khẳng định chủ quyền với nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo kiểm soát trên biển Hoa Đông.
Dù ngân sách quốc phòng của Nhật Bản thấp hơn Trung Quốc, nước này đang tăng cường đáng kể năng lực quân sự của mình với việc bổ sung tiêm kích F-35 và chỉnh sửa tàu sân bay trực thăng thể vận hành loại máy bay này. Nhật Bản đang bổ sung thêm khu trục hạm và tàu ngầm công nghệ cao, có khả năng phô diễn sức mạnh tại những vùng biển xa bờ.
Phạm vi hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) được nâng cao đáng kể, khi tàu sân bay trực thăng JS Kaga ngày 25/10 tham gia diễn tập với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ ở phía nam Biển Đông.
Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản (JMSDF) trong mùa hè này tham gia các cuộc diễn tập với nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh và chiến hạm Mỹ ở Thái Bình Dương.
Alessio Patalano, chuyên gia về chiến tranh và chiến lược tại Đại học Hoàng gia Anh ở London, cho biết Bắc Kinh theo dõi chặt chẽ những sự kiện như vậy. Việc Trung Quốc tổ chức hạm đội hỗn hợp với hải quân Nga vờn quanh Nhật Bản dường như là động thái nhằm chứng minh rằng nước này cũng có đối tác của mình.
"Hải quân Mỹ và các đối tác mùa hè này tăng đáng kể tần suất tương tác ở Tây Thái Bình Dương. Đó là điểm Trung Quốc còn yếu và cuộc tuần tra chung với Nga dường như nhằm khắc phục điều này", Patalano nói.
Nga và Trung Quốc có quan hệ đối tác quân sự liên tục, đồng thời tổ chức nhiều cuộc diễn tập chung. Nổi bật nhất trong số này là Vostok 2018, khi liên quân Nga - Trung diễn tập giao chiến với đối thủ giả định.
Quân đội Nga và Trung Quốc sử dụng hệ thống chỉ huy và kiểm soát chung trong cuộc diễn tập hồi tháng 8, trong đó binh sĩ Nga được tích hợp vào đội hình của Trung Quốc.
Hải trình mà nhóm chiến hạm Nga - Trung di chuyển qua eo biển Tsugaru và Osumi thu hút đáng kể sự chú ý, do khoảng cách giữa hai bờ các eo biển này rất hẹp. Điểm hẹp nhất của eo biển Osumi chỉ rộng 27 km. Các chiến hạm Nga và Trung Quốc không vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như không đi vào lãnh hải Nhật Bản, song tiếp cận rất gần lãnh thổ nước này.
Một phóng viên Trung Quốc có mặt trên chiến hạm nước này đi qua eo biển Tsugaru cho biết đã nhìn thấy máy bay Nhật ở phía xa. "Chúng theo dõi chúng tôi từ khi chuyến tuần tra bắt đầu. Nhật Bản còn điều nhiều tàu theo dõi đội hình chiến hạm của chúng tôi để thu thập thông tin tình báo", phóng viên này cho biết.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)