Cuối năm cũng là thời điểm mọi người bắt đầu có những lo toan nhiều hơn về chuyện tiền bạc, tài chính. Biết bao nhiêu khoản phải chi: tiền tàu xe về quê, tiền biếu bố mẹ, tiền mua sắm Tết, tiền mừng tuổi... Khi nhìn vào số dư tài khoản và số tiền dự tính cần để tiêu Tết, hẳn nhiều người sẽ bắt đầu quay ra than phiền, trách móc công ty, doanh nghiệp. Những câu chuyện như trả lương thấp, thưởng Tết bèo bọt, sếp đối xử bất công, đồng nghiệp tính toán thiệt hơn... cứ đến dịp này lại bắt đầu rần rần khắp nơi.
Nhưng có một điều mà tôi nhận thấy đó là thường những lời than vãn này hay xuất phát từ những người có năng lực kém mà lại hay bị ảo tưởng sức mạnh về bản thân, đòi hỏi những thứ quyền lợi không tương xứng với công sức đóng góp của họ. Nếu bạn thực sự có năng lực đến thế, tại sao bạn không sẵn sàng từ bỏ tổ chức, chia tay một công việc lương thấp, một môi trường "độc hại", để tìm kiếm một cơ hội mới tốt hơn?
Nếu bạn không dám làm, hoặc thụ động, ngại thay đổi, hoặc do đã mất quá nhiều tiền để xin vào làm công việc đó nên tiếc không muốn bỏ, thì đó hoàn toàn là vấn đề của cá nhân bạn, và bạn chẳng thể trách ai.
Còn nếu bạn đã cố gắng bỏ công sức tìm kiếm, đã dám đi phỏng vấn nhiều nơi và trúng tuyển vào một vị trí nào đó nhưng lại từ chối vì điều kiện công ty đưa ra thậm chí còn không bằng chỗ cũ, thì điều đó chứng tỏ mặt bằng chung của thị trường là như thế, những công ty khác cũng không khá hơn công ty bạn đang làm và công ty hiện tại không hề đối xử bất công với bạn.
Trường hợp bạn đã đi phỏng vấn nhiều nơi nhưng lại chẳng nơi nào chịu nhận, thì rõ ràng năng lực của bạn không đủ để có được một công việc tốt hơn. Thế nên, bạn đâu có quyền chê bai công việc, mức đãi ngộ hiện tại?
>> 12 năm thưởng Tết không nổi hai triệu đồng
Việc ai đó nói rằng "chẳng qua tôi chưa tìm được chỗ nào tốt hơn" để biện minh cho việc ngồi một chỗ than thở lương thưởng không xứng đáng, chẳng khác nào chính bạn tự thừa nhận mình chỉ đủ tầm làm công việc và hưởng mức lương như hiện tại.
Tất nhiên, không thể phủ nhận việc các công ty sẽ luôn có xu hướng trả mức lương thấp nhất có thể cho người lao động để giữ được lợi nhuận cho tổ chức. Bởi người làm kinh doanh luôn phải đặt lợi ích của doanh nghiệp lên hàng đầu, chẳng ai chịu lỗ để trả cho bạn mức lương cao vượt giới hạn ngân quỹ. Nhưng những người có năng lực thực sự, có tầm ảnh hưởng lớn tới công ty, sẽ luôn biết cách đàm phán một mức lương xứng đáng với công sức họ bỏ ra.
Và chắc chắn, họ sẽ hành động ngay chứ không bao giờ ngồi chê lương thấp hay phàn nàn về chế độ công ty. Nếu không nhận được mức đãi ngộ xứng đáng, họ sẽ sẵn sàng ra đi vì ngoài kia không thiếu nơi sẵn sàng trải thảm đỏ chào mời.
Có lẽ, đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận thẳng vào thực tế khả năng của mình. Thay vì ngồi than phiền, kêu ca, đổ lỗi cho công ty, tại sao bạn không tự đặt câu hỏi năng lực và đóng góp của mình đến đâu? Tại sao chúng ta không dành thời gian để học thêm các kỹ năng, ngoại ngữ để tự tạo cho mình những cơ hội chuyển việc tốt hơn trong tương lai? Không ai có thể thay đổi tương lai giúp bạn nếu bản thân bạn không tự nỗ lực.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.