Người ta đã làm một thí nghiệm nhỏ để phản biện lại sự kiên trì như sau. Bỏ một con ong và một con ruồi vào chai thủy tinh. Sau đó, họ đặt chai thủy tinh nằm ngay cửa sổ với đáy chai quay về phía có ánh sáng, còn miệng chai để mở và quay vào trong phòng. Con ong, với sự "thông minh" và kiên trì vốn có của mình, cứ mãi hướng về có ánh sáng mà bay. Rốt cục là cứ mãi đâm đầu vào đáy chai mà không ra ngoài được. Còn con ruồi, vì sự "ngu dốt" của mình, cứ bay loạn xạ và cuối cùng cũng tìm được đường ra từ miệng chai.
Đôi khi, sự kiên trì lại là hành động "đâm đầu vào tường". Trong câu chuyện của anh chàng bỏ việc văn phòng đi bán thịt heo, tôi thấy nhiều người phản đối. Đồng ý rằng trong quá khứ, tác giả Hoàng Lâm đã làm rất nhiều công việc chẳng liên quan gì với nhau. Nhưng suy cho cùng, mục tiêu của anh ta cũng vì muốn ở cạnh gia đình nhiều hơn. Mặt khác, do những ảnh hưởng khách quan của xã hội và gia đình của anh, mà bản thân chúng ta không ở trong hoàn cảnh đó thì không hiểu được.
Đầu tiên, khoảng thời gian trước khi mở quán ốc, tác giả đi làm rất nhiều công ty. Tôi cho rằng lúc này anh còn trẻ, rõ ràng là chưa có định hướng. Tuy nhiên, mỗi một ngành nghề, lĩnh vực trải qua lại cho anh một lượng lớn kiến thức xã hội, gặp gỡ nhiều người hơn và hình thành nên sự đồng cảm với mọi người.
Nếu chúng ta lục tìm lại tiểu sử của những vị doanh nhân nổi tiếng trên thế giới sẽ thấy không phải ai cũng kiên trì như Bill Gates, Steve Jobs, Warren Buffett. Thay vào đó, ta có những vị đã thay đổi nghề liên tục thời còn trẻ cho đến khi tìm ra được đúng lĩnh vực của mình như Jack Ma, Richard Branson, Elon Musk.
Bước ngoặc của anh chàng trong câu chuyện trên đó là cả hai vợ chồng cùng nhau mở quán ốc. Đây là dự án khởi nghiệp đầu tiên, nếu anh ta có sự kiên trì, có lẽ giờ này đã là một ông chủ nhà hàng lớn cũng nên. Nhưng do hoàn cảnh, cả hai vợ chồng đành bỏ quán ốc để chuẩn bị sinh con thứ hai. Điều này hoàn toàn hợp lý, vì tôi đoán với dự án khởi nghiệp đầu tiên, cả hai chưa tuyển người làm mà chủ yếu dựa vào sức của mình.
Mặt khác, ốc chỉ là một món ăn theo trào lưu. Cũng giống như mì cay 7 cấp độ, nổi lên một thời rồi bây giờ cũng lịm dần đi. Hay gần hơn là chuỗi những quán trà chanh đang gây sốt trong giới trẻ, rồi thì cũng sẽ bị lãng quên. Dĩ nhiên, nếu anh ta không làm ốc, anh ta có thể thay đổi thực đơn. Đáng tiếc là anh ta đã không làm.
Nói đến nhà hàng, tôi lại nhớ đến việc xử phạt nồng độ cồn làm điêu đứng biết bao nhiêu người đang hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, quán nhậu. Ông anh họ của tôi vừa chuyển sang nuôi dế sau khoảng thời gian điêu đứng vì nuôi heo đã phản ứng kịch liệt với Nghị định này. Anh cho rằng: "Nếu các quán nhậu đóng cửa, thì những người nhân viên phục vụ bàn, những ông chủ nhà hàng biết làm nghề gì? Rồi những người nấu rượu, những người kinh doanh bia, họ phải sống ra sao". Tôi chỉ cười và thầm nghĩ "Không làm nghề này thì làm nghề khác, chứ chẳng nhẽ hết việc sao".
Đấy, đôi khi sự kiên trì lại được xem là "cứng đầu". Nếu thật sự muốn làm, các chủ nhà hàng nên tìm cách chứ không nên đóng cửa hoặc phản đối Nghị định 100. Theo tôi, anh chàng bán thịt heo kia không muốn làm quán ốc nữa nên đóng cửa.
Tôi đã thấy anh chị mình làm quán. Thật sự, công việc này rất cực nếu tự tay mình làm hết mọi việc. Từ công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, đến khi khách vào như chạy giặc, rồi khi khách về phải dọn dẹp, rửa chén dĩa... Công việc này chiếm hầu hết thời gian của những người làm. Nhưng khi chuyển sang bán thịt heo thì mọi chuyện sẽ khác đi.
Người tiểu thương bán thịt, chỉ đơn giản là ra lò mổ và lấy thịt về chuẩn bị, rồi ngồi đó bán. Công đoạn nặng nhọc nhất của họ là giờ cao điểm. Sau đó, họ lại dọn dẹp và quay về với gia đình. Tôi thấy nhiều người bán thịt có một buổi ở chợ thôi mà cũng đã sống tốt. Nếu ngày ấy, anh chàng này kiên trì làm quán ốc thì làm sao có thời gian vừa bán thịt heo, vừa nghiên cứu chứng khoán, lại vừa còn đăng ký đi học thêm quản trị kinh doanh?
Thế rồi, nghề bán thịt cũng lại bỏ sau một năm trời với lý do là đau lưng. Điều này hợp lý vì nếu ai từng bị đau lưng sẽ cảm giác được bệnh này khổ thế nào? Chưa kể đến việc anh ta bị áp lực từ người cha của mình, người đã từ chối lấy vợ mới để ngày ngày đi làm kiếm tiền nuôi các con ăn học để cuối cùng lại đi bán thịt heo. Nếu ở trong hoàn cảnh đó, tôi nghĩ chúng ta cũng sẽ rất khó xử.
Còn lý do bị cạnh tranh, nếu anh ta kiên trì thì sự khủng hoảng này cũng chỉ diễn ra trong vòng vài tháng rồi qua đi. Tuy nhiên, nếu "miếng bánh đã không còn ngon" và có quá nhiều người dòm ngó thì chúng ta cũng nên buông bỏ.
Tôi còn nhớ, năm 2017 – 2018 là lúc thị trường bất động sản sôi động, một người bạn của tôi đang làm giáo viên cấp 3 cũng đi làm cò đất. Hay những anh bác sĩ làm việc nhà nước gần đây cũng xin nghỉ việc vì lương thấp. Khi xã hội thay đổi và khiến cho ngành nghề, lĩnh vực không còn béo bở nữa, chúng ta có nên cân nhắc việc thay đổi?
Bước vào ngành bất động sản, anh chàng bán thịt heo lại như "vô tình nhặt được bí kíp". Đặc thù ngành này là đi tìm khách online chứ không đơn giản phát tờ rơi hay nhờ mối quan hệ như trước nữa. Có lẽ anh ta đã học được bí quyết bán hàng online từ đây.
Mặt khác, ngành bất động sản được xem là một trong ba nghề lôi kéo khách hàng, đứng sau bán hàng đa cấp và trên nghề bảo hiểm. Một người bạn của tôi, đang làm chủ một doanh nghiệp, trong một lần trò chuyện đã đưa ra ý kiến rằng: "Nếu có tuyển nhân viên sales thì tôi chỉ chọn những anh chị từng bán hàng đa cấp, bất động sản hoặc bảo hiểm, bởi vì họ rất giỏi trong việc thuyết phục và chốt đơn hàng".
Hiện tại, nhân vật của chúng ta đang kinh doanh online. Đây cũng được xem như là một nghề "gần chạm ước mơ" rồi. Được ở nhà với gia đình, không phải chịu khói bụi, không phải "cơm đường cháo chợ", lại có thể mang tiền từ những nơi khác về. Nếu anh ta thật sự nghiêm túc với công việc, tôi nghĩ đây sẽ là điểm dừng hợp lý.
Trong câu chuyện, chúng ta thấy anh ta có những ý tưởng mới trong kinh doanh, xoay quanh lĩnh vực mà mình đang hoạt động. Thêm nữa, do dịch Covid–19 mà anh đang không bán được hàng, và anh ta nghĩ đến việc làm SEO cho website của mình. Tôi hy vọng, với những hành động này, anh ta đã xác định được điểm dừng.
>> Bỏ việc văn phòng lương 20 triệu, ra làm riêng kiếm 100 triệu đồng
Sau cả câu chuyện, tôi thấy tác giả chỉ muốn động viên mọi người vượt qua khó khăn tại thời điểm này thôi. Đó là một ý tốt.
Chim đại bàng, đến thời điểm phải tập bay, mẹ của chúng nhặt hết những chiếc lông mềm mại ra khỏi tổ, để trơ ra những khúc cây khô và nhọn. Hành động này giúp chim non từ bỏ tổ của mình để tập bay. Chim con sẽ khỏe mạnh hơn, dũng mãnh hơn và cứng cáp hơn. Covid–19 cũng vậy, nó giúp đào thải những doanh nghiệp yếu kém, giúp doanh nghiệp nhận ra không nên phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc trong việc thu mua nguyên vật liệu mà thay vào đó tìm kiếm từ những nhà cung cấp khác trên thế giới. Tuy có đắt hơn so với Trung Quốc nhưng biết đâu chất lượng hơn thì sao?
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp xuất khẩu qua Trung Quốc, vì dịch Covid–19 này mà biết đâu sẽ nhận thức được tầm quan trọng trong việc cải tiến chất lượng sản phẩm để bán qua Châu Âu và các nước phát triển khác. Đồng thời, những doanh nghiệp đang bị tê liệt vì Covid–19 nhưng không thuộc hai loại hình trên có thể bình tĩnh suy nghĩ lại mình cần làm gì tốt hơn sau khi cơn bão đi qua, cần cải tiến những gì và loại bỏ những gì chưa tốt. Chưa bao giờ, những doanh nghiệp lại có nhiều thời gian như lúc này.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.