"Năm 2023, tôi với cương vị Trưởng phòng của một công ty tư nhân, bất ngờ bị 'đánh úp', phải nhận hướng dẫn thực tập cho một nhóm 10 bạn sinh viên. Đó là kết quả từ mối quan hệ của sếp lớn công ty tôi. Và dưới đây là những trải nghiệm của bản thân tôi sau ba tháng làm việc cùng các bạn sinh viên này:
Đầu tiên, phải thừa nhận một điều là hằng ngày khối lượng công việc của tôi rất lớn. Thế nên, việc dành thời gian để sát sao nhóm thực tập sinh này là rất khó. Đa số, tôi phải tranh thủ khoảng 30 phút đến một tiếng cuối mỗi giờ chiều, để tổng hợp, ghi nhận và xử lý công việc trong ngày của các bạn. Kèm theo đó, tôi cũng phải lên kế hoạch, sắp xếp phân công công việc cho các sinh viên vào ngày hôm sau.
Thời gian này, tôi thực sự bị quá tải nhưng không thể kêu với cấp trên do yếu tố bất ngờ kể trên. Vậy nên, tôi chỉ có thể cố gắng nhiều nhất trong khả năng của mình. Nếu đòi hỏi tôi phải dành nhiều tâm huyết hơn, tận tình hướng dẫn theo kiểu 'cầm tay chỉ việc' cho các bạn thì quả thật là không thể.
Thứ hai, nhận xét một cách khách quan, hầu hết các bạn sinh viên thực tập có kiến thức học thuật còn khá yếu. Họ chưa nắm đủ và đúng nhiều nội dung chuyên môn, chứ chưa nói đến tư duy xử lý thông tin liên quan đến công việc được giao.
Vấn đề cơ chế vận hành của doanh nghiệp dường như cũng nằm ngoài tưởng tượng của các bạn sinh viên nên với họ cái gì cũng lạ lẫm, không hiểu và chậm nắm bắt, dẫn đến thời gian xử lý công việc thường rất lâu. Đó là còn chưa kể đến các quy định, quy tắc văn phòng như giờ giấc, tác phong làm việc... cũng là thứ mà các bạn khó lòng tuân thủ một cách nghiêm chỉnh.
>> 'Tôi thất vọng chất lượng sinh viên Việt sau 20 năm đi tuyển dụng'
Với cá nhân tôi, việc chăm lo hậu cần chu đáo cho 10 bạn sinh viên này trong suốt ba tháng thực tập là điều nằm ngoài tầm kiểm soát, nhất là đối với một doanh nghiệp SME như chúng tôi, bởi lượng chỗ ngồi của phòng tôi là vô cùng hạn chế. Thế nên, tôi cũng chẳng thể nào tạo cho các bạn được một môi trường làm việc lý tưởng như những gì mà họ kỳ vọng.
Sau khi kết thúc kỳ thực tập một cách êm đẹp (trong mức có thể), dù chỉ là ba tháng ngắn ngủi, và còn nhiều điều chưa hài lòng, nhưng tôi vẫn muốn giữ liên lạc với các bạn sinh viên. Thế nhưng, tuyệt nhiên, chẳng có ai trong số đó giữ liên lạc với doanh nghiệp, để ít nhất là hỏi thêm về định hướng hay cơ hội công việc trong tương lai. Dường như, với các sinh viên, thực tập chỉ là một môn học cần phải hoàn thành cho đủ chương trình, và học xong là quên hết.
Trên đây là những trải nghiệm đáng nhớ của tôi về việc hướng dẫn thực tập cho các sinh viên tại doanh nghiệp của mình. Dù đó có thể không phải là trường hợp đại diện cho tất cả, nhưng tôi hy vọng nó sẽ đóng góp thêm một góc nhìn thực tế để các bạn hiểu hơn về mối quan hệ giữa sinh viên thực tập và các doanh nghiệp hiện nay. Làm gì để kỳ thực tập đạt chất lượng thực chất và phát huy được hết những giá trị của nó, giúp hai bên cùng có lợi? Đó sẽ là một câu chuyện rất dài.
Đó là chia sẻ của độc giả HH xung quanh câu chuyện tổ chức hướng dẫn thực tập cho sinh viên hiện nay. Thực tế, phần lớn các trường đại học, cao đẳng chỉ cấp giấy giới thiệu cho sinh viên, còn lại để các em "tự bơi". Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng chẳng mấy mặn mà với việc nhận sinh viên vào thực tập. Với cơ hội thực tập ít ỏi, thiếu thực chất, chất lượng thực tập vì thế cũng rất hạn chế.
- Sinh viên ra trường với kinh nghiệm 4 năm chạy xe ôm công nghệ
- Sinh viên ra trường 'mặc cả' lương nghìn đôla
- Rủi ro khi tuyển sinh viên mới ra trường không có kinh nghiệm
- Đòi hỏi kinh nghiệm với sinh viên mới ra trường không hề vô lý
- Nhiều sinh viên mới ra trường chỉ giỏi 'lên mạng xã hội'
- 'Ra trường không có kinh nghiệm là lỗi của sinh viên'