Những gì là "lần đầu", "đầu tiên" luôn làm chúng ta bâng khuâng, xao xuyến. Lựa chọn căn nhà đầu tiên như thế nào lại càng phải lo âu, hồi hộp hơn nhiều lần. Mỗi sự lựa chọn nhà phố hay nhà chung cư đều không thể trọn vẹn, đều có ưu nhược điểm riêng. Và mỗi người luôn phải chọn lựa thứ phù hợp nhất với gia đình mình.
1. Chọn lựa căn nhà đầu tiên
Năm 2014, anh Trường mua 90m2 đất ở Nhà Bè để xây nhà an cư. Tiền đất anh mua 750 triệu, tiền xây một trệt một lầu hết 650 triệu, tổng là 1,4 tỷ.
Vui mừng khi xây xong nhà vào ở chẳng được bao lâu, vợ chồng anh lại phải đối mặt với những khó chịu mới: Xung quanh khá vắng vẻ nên anh không dám làm thêm giờ, tiếp khách ngoài giờ hay đi công tác dài ngày, mà phải tranh thủ về với vợ con.
Đường Nguyễn Bình lại một tháng triều cường ngập hơn nửa bánh xe mấy ngày. Chưa kể, đoạn đường di chuyển từ nhà đến chỗ làm ở quận 1 ngày nào cũng kẹt cứng xe nên vợ chồng anh mất hơn 90 phút di chuyển (45 phút đi + 45 phút về).
>> Vay mua chung cư, 20 năm sau vẫn có tiền tỷ tiết kiệm
Chán nản, anh muốn bán căn nhà này để mua một căn chung cư khác ở quận 7 (nhà phố ở Nhà Bè của anh không đủ để đổi lại một căn nhà phố ở Quận 7) để giải quyết hết những khó khăn anh đang gặp phải. Thời điểm cuối 2017, căn nhà của anh có giá khoảng 2,5 tỷ.
Tương tự anh Trường, năm 2015, anh Kiệm cũng mua 90 m2 ở Nhơn Đức hết 750 triệu (anh mua sau một năm, nhưng mua xa hơn anh Trường 2 km nên giá bằng nhau) để xây nhà. Bỏ thêm 450 triệu đồng làm căn nhà cấp bốn, tổng hết 1,2 tỷ.
Ngoài khó khăn về triều cường ở đường Nguyễn Bình anh phải gặp như anh Trường, khu vực của anh cũng vắng vẻ hơn nhiều khu vực nhà anh Trường và khoảng cách đi làm của vợ chồng anh cũng gấp 3 lần đường vợ chồng anh Trường đi làm (Anh Kiệm làm ở quận 8, vợ anh làm ở Bình Dương).
Sau 2 năm lâm vào cảnh chán nản hơn nhiều lần anh Trường, anh Kiệm quyết định bán căn nhà ở Nhà Bè đổi qua chung cư ở Thủ Đức, ưu tiên hàng đầu là vợ anh sẽ rút ngắn được 70% quãng đường đi làm. Giá căn nhà của anh thời điểm đó khoảng 2,15 tỷ.
Khác anh Trường và anh Kiệm đã chọn nhà phố làm căn nhà đầu tiên, cuối 2017, vợ chồng anh Đức quyết định kết thúc "kiếp ở trọ" bằng việc mua căn hộ chung cư ở Nhà Bè sát quận 7 với giá 1,7 tỷ (vợ chồng anh làm việc ở quận 7).
Sau khi chứng kiến những vất vả, khó khăn của anh Kiệm và anh Trường khi ở nhà phố, anh Đức quyết định an cư ở chung cư để đảm bảo môi trường sống văn minh, an ninh, và tận hưởng những tiện ích nội khu.
Chung cư ở đây cũng sẽ giúp anh chị tiết kiệm thời gian di chuyển đi làm mỗi ngày so với nhà phố ở xa hơn, để dành thời gian phát triển công việc và chăm lo gia đình.
Năm 2018, chán nản với môi trường sống phức tạp và thiếu thốn tiện ích ở căn nhà hẻm ba mét đang ở, vợ chồng chị Thuỷ muốn bán căn nhà một trệt một lầu ở Bình Thạnh với 5,6 tỷ để lấy tiền mua chung cư cao cấp ở nhằm nâng cấp cuộc sống. Vì như chị chia sẻ: "Anh chị chị đã ngoài 40 đến 50 tuổi rồi, thu nhập cũng thuộc dạng cao trong mặt bằng xã hội, cũng phải cố hưởng thụ cuộc sống một chút chứ".
>> Có trăm mét đất nhưng phải mua chung cư để ở
Đó là câu chuyện mua nhà của bốn gia đình mà tôi biết. Điểm chung của cả bốn gia đình này đều là: Những gia đình hai thế hệ, ba đến bốn thành viên và đều chán nản với môi trường sống và những nhược điểm của nhà phố.
Họ muốn bán nhà phố, mua nhà chung cư (hoặc như anh Đức mua nhà chung cư từ đầu). Họ muốn loại bỏ những nhược điểm của nhà phố, hưởng những ưu điểm về môi trường sống, sự an toàn, tiện ích và sự thuận lợi về di chuyển của nhà chung cư.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của nhà chung cư chính là: Việc tăng giá trị theo thời gian sau khi bàn giao sẽ không bằng nhà phố trong cùng một vị trí.
2. Sự chọn lựa "cồng kềnh" để tăng thêm trọn vẹn
Để tận dụng những ưu điểm và hạn chế bớt các nhược điểm của cả nhà chung cư và nhà phố, anh Trường, anh Kiệm và chị Thuỷ đã có một "pha xử lý cồng kềnh" để: Vừa tận hưởng được những ưu điểm về môi trường sống, sự an toàn, tiện ích và di chuyển thuận lợi của nhà chung cư, vừa giữ được giá trị căn nhà phố theo thời gian.
Cuối 2017, Anh Trường cho thuê nguyên căn nhà của mình ở Nhà Bè được bảy triệu đồng một tháng. Anh bù thêm 1,5 triệu đồng một tháng (một triệu tiền thuê, 500 nghìn đồng phí quản lý) thành 8,5 triệu đồng để thuê một căn chung cư 70 m2 ở quận 7.
Với giải pháp này, hàng ngày vợ chồng anh tiết kiệm được 60 phút di chuyển mỗi người, không phải vật lộn với triều cường ở đường Nguyễn Bình. Bản thân anh cũng thảnh thơi đi ngoại giao, làm thêm ngoài giờ để thăng tiến trong công việc mà không lo vợ con ở nhà vắng vẻ. Cuối tuần, cả nhà đóng cửa về Biên Hòa chơi với ông bà nội mà không lo nhà bị trộm cắp.
Hai năm đầu, "thiệt hại" anh phải bù tiền vô ở thuê là 36 triệu đồng, qua năm thứ ba, nhà anh cho thuê được 10 triệu đồng, trong khi chung cư anh thuê chỉ tăng 500.000 đồng một tháng. Mỗi tháng dư ra lại một triệu đồng xem như bù dần lại cho hai năm trước đó.
Căn nhà phố của anh giờ giá 3,8 tỷ, tăng 1,3 tỷ (52% trong 3 năm) so với thời điểm 2017 anh định bán. Trong khi căn chung cư 1,8 tỷ anh định mua cuối 2017 giờ có giá 2,2 tỷ (chỉ tăng 22,2% trong ba năm).
Tuy nhiên, điểm "hơi chưa trọn vẹn" ở đây, là anh chị cũng phải hy sinh hai việc: Giảm diện tích sinh hoạt từ 150 m2 xuống 70 m2, và không thể thay đổi thiết kế nhà hay mua sắm vật dụng thoải mái theo ý thích của mình.
>> 'Treo đầu dê ở Bình Chánh, bán thịt chó ở Long An'
Trường hợp khác đã bán nhà phố, lấy tiền vừa thuê chung cư ở, vừa mua lại một mảnh đất khác để giữ tài sản. Cũng giống anh Trường, cuối 2017 anh Kiệm đưa gia đình đi khỏi khu Nhơn Đức - Nhà Bè, thuê chung cư 80m2 ở Thủ Đức 10 triệu đồng tháng (không có nội thất) để ở nhằm giải quyết những phiền toái đã gặp phải.
Nhưng khác với anh Trường, anh Kiệm không giữ lại căn nhà cho thuê, mà bán nó thu hồi về 2,15 tỷ. Số tiền này, anh dùng 1,75 tỷ mua lại một mảnh đất khác 125m2 cũng ở Nhà Bè nhưng gần hơn chỗ cũ 2km để giữ tài sản chờ tăng giá theo dự án. Còn gia đình anh đi thuê nhà.
Tuy nhiên, ở nhà thuê một thời gian, điều vợ chồng anh cũng thấy "chưa trọn vẹn" chính là cảm giác "căn nhà thuê" nó xa lạ sao đó, ko phải nhà của mình. Vì đã là nhà đi thuê thì sao bỏ tiền vào cải tạo, thiết kế, customize thỏa thích chỗ ở theo ý thích riêng của mình được.
Quan trọng hơn từ khi vợ chồng anh thuê nhà ở đây có vẻ "hợp phong thủy" nên làm ăn được, giờ chủ nhà lấy lại ở cũng làm vợ chồng anh "hụt hẫng". Đập bỏ nhà cũ, xây lại nhà mới cho thuê, lấy tiền cho thuê nhà bù thêm tiền để thuê chung cư ở.
Căn chung cư lúc anh mới thuê có giá bán 2,3 tỷ, hiện giá khoảng 2,9 tỷ (tăng 26% trong ba năm). Trong khi đó, miếng đất 1,75 tỷ anh mua ở Nhà Bè giờ có giá 3,2 tỷ (tăng 82% trong ba năm).
Hơi khác anh Trường, anh Kiệm, không biết nghe ai "xúi dại", chị Thuỷ quyết định không bán nhà nữa. Thay vào đó, vợ chồng chồng quyết định đập bỏ luôn căn nhà một trệt một lầu đang ở, vay ngân hàng 2,5 tỷ đầu tư xây căn nhà mới thành 5 tầng.
Sau đó, chị cho thuê nguyên căn được 40 triệu đồng, lấy 32 triệu trả tiền hàng tháng cho ngân hàng. 8 triệu còn lại, anh chị bù thêm 10 triệu đồng từ thu nhập của mình để thuê chung cư ở. Hiện tại, căn nhà của anh chị đã tăng giá trị thành gần 10 tỷ và vẫn có thu nhập đều 40 triệu đồng một tháng.
>> 'Cứ cố gắng làm việc là mua được nhà'
Mỗi tháng, anh chị chỉ đang bù vào 10 triệu đồng nhưng đã nhận được rất nhiều điều mình mong muốn: Vừa ở chung cư như ý nguyện, vừa hô biến căn nhà từ một trệt một lầu thành nhà 5 tầng, vừa giữ được căn nhà phố để tích lũy tài sản và tránh bị mất giá như nhà chung cư.
Cũng nhận thấy những điểm "chưa trọn vẹn" như anh Kiệm, vợ chồng chị Thuỷ tính vài năm nữa, khi tích lũy thêm được một khoản tiền từ thu nhập và giảm bớt tiền trả ngân hàng hàng tháng, anh chị sẽ mua luôn một căn chung cư để ổn định lâu dài.
3. Sự chọn lựa ổn định cuộc sống, an nhiên tự tại, không ngại rủi ro
Sau khi an cư ở chung cư, tinh thần của vợ chồng anh Đức tốt hơn rất nhiều khi ở thuê. Cuộc sống anh chị cũng ngày càng đầm ấm, hạnh phúc với bằng chứng sống là hai nhóc liền tù tì ra đời cách nhau chỉ một năm.
Việc mua nhà và sinh liên tiếp hai cháu cũng làm anh nỗ lực hơn trong công việc, nhờ đó sự nghiệp của anh cũng thăng tiến tốt hơn. Tuy nhiên, điều khiến anh hơi chạnh lòng là căn hộ của anh hiện chỉ có giá 2,15 tỷ, tăng 26% sau ba năm, vừa đủ bù đắp trượt giá lạm phát, so với khoảng tăng 52% và 82% của anh Trường và Kiệm thì khoảng cách quá xa.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.