Đọc bài viết Vì sao nhiều người vẫn mua được nhà thành phố?, tôi thấy tác giả nói đúng với khía cạnh cá nhân, nhưng với một vấn đề chung của xã hội, thì ý kiến đó chưa đúng.
Cách bạn giải thích vì sao nhiều người mua được nhà phố nó cũng giống như vì sao ông A bà B là tỷ phú, vì sao ông C mua được khu du lịch... là điều ai cũng hiểu.
Nhưng đó không phải câu trả lời cho một vấn đề vĩ mô như chuyện lương tăng ít so với lạm phát, giá bất động sản tăng cao. Xã hội nào cũng có người giàu người nghèo, ngay cả khi cả nước thiếu thốn thì vẫn có người giàu có. Không thể lấy vài cá nhân ra để kết luận những người còn lại không cố gắng, và vì thế lờ đi vấn đề vĩ mô cần giải quyết.
Rất may là các nhà làm chính sách vẫn đang nghiên cứu chính sách để tăng thu nhập đầu người, kiểm soát lạm phát. Phải có cái nhìn lớn để giải quyết vấn đề vĩ mô.
>> Dân quê bán đất mới có cuộc sống tốt hơn
Tôi lấy ví dụ bình quân thu nhập đầu người ở Hà Nội năm ngoái là 7,2 triệu đồng. Vậy bao nhiêu % dân số có thể mua được nhà, trong khi trung bình giá nhà đất đã lên đến cả chục triệu (chung cư) và trăm triệu (nhà đất) một m2.
Nếu mức lương cấp trưởng phòng một công ty là khoảng 25 đến 30 triệu, trừ chi phí sinh hoạt, 15 năm anh ta có thể mua được một ngôi nhà (nếu vay trả góp thì cũng mất chừng đó năm để trả nợ). Vậy những người nhân viên bình thường phải bao nhiêu năm?
Mức lạm phát và thu nhập của chúng ta chênh lệch đến mức tỷ lệ những người mua được nhà rất thấp, tôi chưa tìm được thống kê con số chính xác. Nhưng điều mà chúng ta ai cũng mong muốn là tăng tỷ lệ đó, tăng thu nhập trung bình lên.
Còn việc nâng cao thu nhập bản thân là việc ai cũng hiểu, và tôi nghĩ không cần phải chia sẻ hay giải thích vì điều đó.
Việc bạn hay tôi mua được một hay vài căn nhà, không có nghĩa là chúng ta có quyền cho rằng những người khác không cố gắng.
HNT
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.