Cuối tháng 11/2023, tôi có cơ hội tham gia Hội thảo Quốc tế về sinh thái và hậu nhân văn (các khối ngành khoa học xã hội) tổ chức tại Mae Fah Luang University, Thailand (5th ASLE ASEAN Ecocritical Conference). Trong phiên trình bày của mình, tôi dành mối quan tâm nghiên cứu về vấn đề sáng tạo liên ngành và tương lai của sự hợp tác giữa human (con người - chủ thể sáng tạo) và non-human (học máy, AI và các công cụ liên quan).
Các cử tọa có mặt trong phiên trình bày của tôi đều bày tỏ sự hứng thú trước tương lai của văn học đa phương tiện (multimedia literature) với sự kết hợp cùng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI tools). Chính vì vậy, "bắt tay" với AI là tương lai của chúng ta, bất kể ở ngành nghề nào.
Trung Quốc cổ đại có câu chuyện Trang Chu nằm mộng thấy mình là bướm, tỉnh dậy không biết là Chu hóa bướm hay là bướm mộng thấy hóa Chu. Thế kỷ 17, Hamlet của Shakespeare loay hoay cả đời để trả lời cho câu hỏi "To be or not to be?". Trong thế giới hỗn độn và bất khả tri của kỷ nguyên AI, chúng ta cần lý giải điều gì về giấc mộng của Trang Chu, nỗi băn khoăn của Hamlet, về việc thừa nhận sự lung lay trên vị trí sáng tạo độc tôn của con người?
Sự có mặt của AI trong đời sống vốn không còn xa lạ với chúng ta lâu nay: trong in ấn, ứng dụng chỉ đường, theo dõi sức khỏe, tài chính, giao thông và cả sáng tạo (Grammarly, LanguageTool, Reverso, Plagiarism Checker...). Chúng ta lo ngại, phê phán hay thậm chí lên án sự phát triển nhanh chóng của AI vì chúng tấn công vào nền tảng cơ bản nhất của xã hội hiện đại - quyền sở hữu trí tuệ và tạo tác văn hóa.
Tôi đã thử ngồi lại và nói về AI một cách dễ hình dung qua câu chuyện rằng: có nhiều vấn đề cần giải quyết để cân bằng hệ sinh thái trong khu vực. Thay vì cần có một nhà toán học, một nhà vật lý học, một nhà sinh thái học để tính toán, xác định vị trí, nghiên cứu thực trạng... thì các nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo đã cố gắng đưa chúng thành dạng mã hóa mà máy tính có thể hiểu được. Khi đó, mọi vấn đề (bao gồm cả ngôn ngữ tự nhiên) đều trở thành các phép toán được mã hóa. AI sẽ nhanh chóng làm việc của nó: giải các phép toán và đưa ra kết quả với sai số thấp nhất (qua quá trình được huấn luyện và tương tác với con người).
Ngày 1/11/2023, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI)1 đã khai mạc tại Bletchley Park, thuộc thành phố Milton Keynes, Vương quốc Anh, với sự tham dự của khoảng 100 đại biểu là các nhà lãnh đạo từ 28 quốc gia, đại diện các công ty công nghệ hàng đầu, các học giả và những người tham dự khác. Các tên tuổi đáng chú ý trong danh sách đại biểu bao gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, tỷ phú công nghệ Elon Musk, cựu Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta AI Nick Clegg, Giáo sư Yann LeCun, nhà khoa học trưởng của Meta về AI...
Hội nghị diễn ra trong hai ngày (1-2/11) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Anh Rishi Sunak, tập trung thảo luận về các rủi ro liên quan AI, từ nguy cơ mất việc làm và tấn công mạng đến việc con người mất kiểm soát đối với các hệ thống đã tạo ra và các biện pháp giảm thiểu rủi ro.
>> Ứng viên viết CV bằng AI để qua mặt nhà tuyển dụng
Trong bối cảnh mà nhân loại toàn cầu đều đổ dồn sự chú ý vào trí tuệ nhân tạo và những rủi ro, thách thức mà nó mang lại, những homo deus (con người "thần thánh") chúng ta cần học cách để không bị "bỏ lại phía sau". Sự phổ biến của AI nói chung và ChatGPT nói riêng sẽ chia thế giới làm hai nửa: một nửa của những ai tìm tòi, vận dụng một cách thông minh những công cụ này phục vụ cho công việc và đời sống; nửa còn lại từ chối, hoài nghi và sẽ bị bỏ lại phía sau trên đường đua thích nghi với cuộc sống "bình thường mới".
ChatGPT là mối đe dọa trước hết cho những người viết (writer), đặc biệt là lực lượng lao động mới ra trường, các thực tập sinh. Vì khi có AI, các công việc "thô", đơn giản ta đã có thể "sai" ChatGPT làm một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và để cho những senior (chuyên viên) chỉnh sửa, bổ sung để cho ra thành quả sau cùng. Từ một góc nhìn lạc quan hơn, có thể nhận thấy rằng liệu chúng ta đang trải qua một cuộc thanh lọc - nơi mà mỗi cá nhân phải nỗ lực gấp nhiều lần để sở hữu đa tri thức, đa kỹ năng ngay từ khi còn cắp sách đến trường.
Và khi ta thay đổi thói quen viết nghĩa là thói quen đọc cũng sẽ thay đổi. Quan sát tâm lý của chính mình, tôi nhận thấy bản thân dễ dàng bỏ qua, đọc lướt những gì được viết một cách máy móc, nhạt nhẽo, thuần truyền tải thông tin... Vì vậy, về lý thuyết, khi AI làm giúp ta những việc "dễ dàng", chúng ta nên dành thời gian còn lại để tập trung hơn, sáng tạo hơn để làm những việc mà máy móc (chí ít là) chưa thể làm, trong đó có kể chuyện.
Chúng ta hoàn toàn có thể xem AI là một trợ lý thông minh để viết nên những câu chuyện chất lượng. Trước khi đánh giá ChatGPT ngốc nghếch vì không biết làm thơ, trả lời "râu ông này cắm cằm bà kia" thì chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại cách sử dụng nó. Đó là việc học cách đặt những câu hỏi đúng và kiểm tra câu trả lời của AI.
Để biết hỏi cái gì, như thế nào để cho ra kết quả như mong đợi, cần phải có tư duy rõ ràng, logic về vấn đề đó, cần sắp xếp mọi thứ xung quanh để tìm kiếm câu trả lời. Nghĩa là bạn phải rèn luyện ngôn từ, cách đặt câu, ngữ pháp và tư duy giải quyết vấn đề trước khi tìm kiếm sự hợp tác thành công với ChatGPT. Hiểu rõ điều này, chúng ta sẽ có thể lạc quan tin vào trí tuệ con người và tương lai nhân đôi hiệu suất nhờ bắt tay với AI.
Có một điều chắc chắn về tương lai là không có gì chắc chắn cả. Con người sẽ dần trở thành AI và AI cũng dần có nhân tính. Hiểu rõ điều này chính là cơ hội để ta biết cúi đầu trước tự nhiên như một phần không tách biệt, và sẵn sàng hợp tác với AI để tận dụng những điểm mạnh nhất ở nó.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- 'Ngày lập trình viên mất việc vì AI không còn xa'
- Than thân, trách phận khi mất việc
- Ngồi im sống hưởng nhưng than mất việc
- 'Nhiều IT mất việc vì chạy theo ảo vọng blockchain, NFT'
- Đại học phải chịu trách nhiệm khi sinh viên 'mới tốt nghiệp đã thất nghiệp'
- 'Không trường đại học nào dạy sinh viên biết làm việc khi mới ra trường'