Không khí lạnh tràn về các tỉnh phía Bắc từ đêm 1/12, nhiệt độ khoảng 15-18 độ C, nhiều chuyên gia lo ngại nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh, đặc biệt là Covid-19. Nguy cơ này từng được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề cập tại phiên trả lời chất vấn của Quốc hội khóa XV hôm 10/11, trong bối cảnh cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, dịch bệnh tăng trở lại ở một số địa phương. Các nước trên thế giới cũng đã chuẩn bị kịch bản đối phó với đại dịch khi thời tiết lạnh.
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng (Trưởng Khoa Y tế Công cộng, Đại học Y dược TP HCM) cho biết khi trời lạnh, mọi người có khuynh hướng ở trong phòng nhiều hơn, ngại ra ngoài, cửa đóng kín giữ nhiệt, thông khí kém. Do đó nguy cơ lây nhiễm cao hơn, thời gian lây nhiễm ngắn hơn.
Đặc biệt, biến chủng Delta và những chủng mới hiện nay, khả năng tồn tại trong môi trường lẫn nồng độ virus đều cao hơn chủng cũ, nguy cơ lây nhiễm cũng mạnh hơn. Bộ Y tế xác định Delta (chủng ưu thế trong đợt dịch thứ 4) có thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng phát tán mầm bệnh cao và lây lan nhanh, lây nhiễm trong không khí và môi trường kín. Nồng độ virus trong dịch hầu họng bệnh nhân cao gấp khoảng 1.000 lần so với các chủng nCoV trước.
Ngoài ra, "khi thời tiết chuyển mùa nhiều người nhầm lẫn triệu chứng Covid-19 với các bệnh mùa đông khác như cúm dẫn đến chủ quan, ngại đi khám", Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế) nói. Giáp Tết là thời gian diễn ra nhiều sự kiện đông người như tiệc tất niên, cưới hỏi dẫn đến nguy cơ bùng phát đợt dịch mới nếu cộng đồng không phòng ngừa chặt chẽ.
Để chủ động phòng ngừa Covid-19 mùa lạnh, các nước hiện đẩy mạnh tiêm liều vaccine thứ ba, thậm chí nhiều nơi siết lại các quy định phòng dịch như bắt buộc đeo khẩu trang, hạn chế hoạt động đông người. Bộ Y tế ngày 1/12 cũng cho phép tiêm mũi vaccine thứ ba trong tháng 12.
Tại Việt Nam, các chuyên gia khuyến cáo áp dụng nhiều biện pháp như vừa tiêm chủng, vừa thực hiện 5K, làm việc tại nhà, cấm tụ họp nơi đông người... Khi có triệu chứng ho, sốt, cần đến cơ sở y tế thăm khám, xét nghiệm xem có mắc Covid-19, điều trị sớm và phòng tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Bác sĩ lưu ý nhóm nguy cơ là người già, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch. Trung bình mỗi người cao tuổi mắc khoảng 3-6 bệnh, hầu hết là bệnh mạn tính như rối loạn chuyển hóa, xương khớp, tim mạch, thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, các vấn đề thính giác, thị giác... Người già dễ nhầm lẫn với một số bệnh thông thường mùa lạnh như cảm cúm... nên nhập viện muộn, bỏ lỡ thời gian vàng. Nhóm này cũng khó chống đỡ khi mắc Covid-19 do khả năng đáp ứng điều trị thấp, nguy cơ nặng và tử vong cao.
Theo chuyên gia, người già cần bổ sung thêm dinh dưỡng, đảm bảo ăn ba bữa chính trong ngày, mỗi bữa nên có 4 nhóm thực phẩm gồm: ngũ cốc, khoai củ; thịt, cá, tôm, trứng, sữa, đậu đỏ; dầu mỡ; rau xanh và quả chín. Có thể thay đổi cách chế biến thành các dạng thực phẩm lỏng như cháo, súp, chia làm nhiều bữa nhỏ hoặc thay thế bằng các loại sữa, sản phẩm bổ sung dinh dưỡng giàu năng lượng, 1-3 lần/ngày. Không tự ý bỏ thuốc và uống thuốc theo đơn của bác sĩ.
Đối với trẻ nhỏ, nguy cơ mắc bệnh cao hơn do không có kháng thể, cơ địa yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện so với người trưởng thành. Ngoài biện pháp phòng dịch, gia đình chú ý đến giữ ấm và vệ sinh vùng hầu họng trong mùa lạnh để dự phòng lây nhiễm nCoV cũng như các bệnh lý lây qua đường hô hấp khác.
Người vì lý do sức khỏe chưa được tiêm vaccine hoặc người tuổi cao, có bệnh nền... nên hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc, đặc biệt là nơi đông người.
Thùy An