Việt Nam đang bước vào mùa thu đông. Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh đường hô hấp, trong đó có nCoV, phát triển, theo thạc sĩ, bác sĩ Tạ Nguyên Thảo Bình, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3.
Ở trẻ em, hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện, các biến đổi môi trường dường như khiến trẻ khó thích nghi hơn so với người trưởng thành. Vì vậy, ngoài nghiêm túc thực hiện 5K, chú ý vệ sinh vùng hầu họng trong mùa này để dự phòng lây nhiễm nCoV cũng như các bệnh lý lây qua đường hô hấp khác.
Theo bác sĩ Bình, hầu họng là cửa ngõ thông thương giữa môi trường bên ngoài và hệ hô hấp dưới. nCoV truyền từ người bệnh qua người khỏe, khởi đầu xâm nhập tại niêm mạc mũi, họng sau đó khu trú và sinh sôi tại đây. "Khi đủ thời gian ủ bệnh, virus sẽ di chuyển xuống đường hô hấp dưới và làm tổn thương phổi. Do đó, súc họng được xem là chốt chặn cuối cùng để ngăn virus đi sâu vào hệ hô hấp và giảm phát tán ra bên ngoài môi trường", bác sĩ Bình phân tích.
Sử dụng nước muối sinh lý nồng độ 0,9% để súc họng cho trẻ. Không súc họng cho trẻ bằng nước muối có nồng độ cao vì dễ làm tổn thương niêm mạc vùng họng. Cũng có thể dùng nước súc miệng để làm sạch, tuy nhiên phải tuân theo quy định về độ tuổi sử dụng từ nhà sản xuất. Các loại thuốc súc họng khi sử dụng cần phải có chỉ định của bác sĩ và tránh lạm dụng.
Bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3, cho biết súc họng đúng cách mới đạt hiệu quả phòng bệnh. Phụ huynh chú ý hướng dẫn trẻ phải súc họng chứ không súc miệng, cố gắng đưa dung dịch xuống sâu nhất vùng cổ họng, ngửa cổ và làm động tác "khò", phát ra tiếng "a...a...a". Trẻ từ 6 tuổi trở lên có thể thực hiện được động tác này. Trẻ nhỏ hơn khó hoặc không thực hiện được, khả năng nuốt dung dịch trong khi súc, do vậy nên sử dụng nước muối sinh lý.
Lượng nước súc miệng mỗi lần không nên quá nhiều, khoảng 5 ml là đủ để trẻ có thể giữ được lâu trong họng. Thời gian mỗi lần đưa dung dịch xuống họng khoảng 15 giây, mỗi ngày súc 2-3 lần. Nên súc họng trước và sau khi trẻ ra ngoài; trước và sau khi tiếp xúc gần với người khác.
Lê Cầm