Sáng 10/11, trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, khi cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, dịch bệnh có dấu hiệu tăng trở lại ở một số địa phương. Chính phủ và Bộ Y tế liên tục chỉ đạo các tỉnh thành tăng cường ứng phó.
Có một thực tế là, dịch vẫn diễn biến phức tạp nhưng một số nơi, một số người dân xuất hiện tâm lý chủ quan, không áp dụng biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế, như 5K (khẩu trang - khoảng cách - khử khuẩn - khai báo y tế - không tụ tập).
"Miền Bắc vào mùa lạnh, lại sắp đến dịp Tết sẽ diễn ra rất nhiều hoạt động đông người, chúng tôi quan ngại về nguy cơ lây nhiễm bùng phát dịch", ông Long nói.
Hà Nội những ngày qua nhiệt độ 15-25 độ C, khi vào đông thời tiết sẽ lạnh hơn. Các chuyên gia cho rằng mùa lạnh khiến nCoV tồn tại lâu hơn, nguy cơ lây nhiễm cao hơn mùa nóng. Hiện, các nước trên thế giới cũng đã chuẩn bị kịch bản để đối phó với đại dịch khi thời tiết trở lạnh.
Một trong những mối đe dọa trong mùa đông là biến thể Delta lây lan nhanh, thay đổi trong hành vi của người dân sau khi nới giãn cách xã hội. Các chuyên gia dự đoán dịch bệnh gia tăng do virus có đặc tính phát triển theo mùa, tỷ lệ người dân nhạy cảm với Delta cao và thái độ chủ quan với dịch.
Với biến thể Delta và những chủng mới hiện nay, khả năng tồn tại trong môi trường lẫn nồng độ virus đều cao hơn chủng cũ, nguy cơ lây nhiễm cũng mạnh hơn. Bộ Y tế xác định, Delta có thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng phát tán mầm bệnh cao và lây lan nhanh, lây nhiễm trong không khí và môi trường kín. Nồng độ virus trong dịch hầu họng bệnh nhân cao gấp khoảng 1.000 lần so với các chủng nCoV trước.
Điều các chuyên gia lo ngại là cách thức lây truyền của virus thông qua giọt bắn, qua bề mặt chứa virus, qua không khí, trong đó môi trường khép kín, chật hẹp, mật độ đông người, tiếp xúc lâu là yếu tố nguy cơ cao. Thời tiết lạnh cũng thuận lợi cho virus phát triển, khả năng lây nhiễm cao.
Trong đợt bùng phát dịch 5 tháng qua, biến chủng Delta chiếm ưu thế - là lý do khiến ông Nguyễn Thanh Long lo ngại virus lây lan trong môi trường lạnh miền Bắc. Ông khuyến cáo các địa phương phải nhanh chóng tăng phủ vaccine để giảm ca nhiễm và ca tử vong. "Chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn thì không thể không có ca nhiễm, nhưng quan trọng là chúng ta kiểm soát rủi ro về nguy cơ tăng nặng ca bệnh, nguy cơ tử vong", Bộ trưởng nói.
Bộ Y tế đã xếp Covid-19 vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm 2, tăng cường đào tạo nhân viên về Covid-19 và quản lý chăm sóc bệnh nhân. Bộ trưởng Long cho biết sẽ làm việc với các bệnh viện, trường học, về khả năng hình thành bộ môn Covid-19 hoặc sẽ thành lập Trung tâm nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới nổi, như H5N1, SARS, MERS và Covid-19.
Ông Long cũng nói rằng, không chỉ Việt Nam, mà với cả thế giới, vấn đề dự báo Covid rất khó khăn. Hầu hết các nước chưa có dự báo mang tính dài hạn. Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chỉ cảnh báo Covid-19 không thể kết thúc trong năm 2022 mà hy vọng đến năm 2023 sẽ trở thành bệnh tương tự như cúm mùa. Một số nước đưa ra dự báo ngắn hạn, bởi đại dịch lần này liên tục xuất hiện những biến chủng mới nguy hiểm.
Trong báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội và Trung ương, Bộ Y tế "đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại trong dự báo tình hình ở các địa phương chưa đúng, chưa sát thực tế, trong đó có cả đơn vị ở Trung ương". Thời gian tới, Bộ sẽ làm việc với WHO để có dự báo về tình hình dịch bệnh.
Tính đến tối 9/11, đợt dịch thứ 4 ghi nhận 979.840 ca nhiễm, trong đó 839.983 người đã khỏi bệnh, 22.686 ca tử vong. Việt Nam đang đứng thứ 38/223 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện Covid-19. Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 92,2 triệu, trong đó tiêm 1 mũi là 61,9 triệu, tiêm 2 mũi là 30,3 triệu.