"Tại sao chúng ta phải cấm phố cà phê đường tàu trong khi trên thế giới và ngay các nước xung quanh đều rất thành công với những khu chợ ven đường tàu kiểu này? Cũng có rất nhiều môn thể thao mạo hiểm khác mà du khách vẫn ùn ùn xếp hàng đăng ký đấy thôi. Tạo ra được một điểm du lịch độc đáo để khách du lịch quốc tế chú ý tới rất khó, chưa kể tới tiền bạc đổ vào để quảng bá là vô cùng khổng lồ.
Nhưng đôi khi chỉ một giờ đồng hồ ngồi cà phê đường tàu lại khiến họ chọn Việt Nam là điểm đến tiếp theo trong chuyến hành trình du lịch của mình. Đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Theo tôi, hãy khai thác một cách an toàn nhất thay vì cố cấm cản mà bỏ phí một nguồn 'tài nguyên' của du lịch nước nhà. Đa phần du khách đều đủ tuổi để tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình và cũng đủ nhận thức để tự đảm bảo an toàn cho gia đình của mình rồi".
Đó là quan điểm của độc giả Bình Luận xung quanh câu hỏi "Có nên biến phố cà phê đường tàu nên thành điểm du lịch?". Nhiều năm nay, theo tinh thần đảm bảo an toàn đường sắt của thành phố Hà Nội, nhiều bảng cấm, rào chắn được dựng lên xung quanh khu vực phố cà phê đường tàu, nhưng thực tế ở đây, cứ vãn khách một thời gian lại đông trở lại, đặc biệt khi lực lượng công an rút đi.
Gần đây, ngày 24/11, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn du khách đổ về các quán cà phê trong phố check in mỗi khi có chuyến tàu đi qua. Những hộ dân quanh đây tận dụng không gian vỉa hè làm nơi kinh doanh đồ uống và ăn vặt. Điều này một lần nữa làm nổ ra tranh cãi trái chiều về chuyện kiên quyết cấm hay tìm cách quản lý hoạt động kinh doanh tại khu vực này.
>> 'Cấm cà phê đường tàu nhưng khó cấm du khách'
Ủng hộ tận dụng phố cà phê đường tàu và biến đây thành điểm du lịch độc đáo, bạn đọc Anhtuan phân tích: "Nếu phần lớn mọi người ủng hộ phương án quản lý và phát triển du lịch phố cà phê đường tàu thì cũng nên xác định trước một điều rằng: trên đời này không ai quản lý hết được mọi rủi ro, quy định quản lý cũng sẽ có, điều còn lại là các chủ quán cà phê, kinh doanh du lịch và cả khách du lịch tham quan phải tuân thủ quy định đặt ra.
Điều đó khác xa với quy định cấm như hiện nay khi ai vi phạm và lỡ có hậu quả thì sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp, cơ quan quản lý cũng phải chịu trách nhiệm vì đã cấm nhưng vẫn để các quán cà phê kinh doanh tự phát dẫn đến hậu quả. Chúng ta phải phân biệt được bản chất của hai vấn đề là khác nhau, biện pháp xử lý cũng sẽ khác nhau. Chứ đừng có nhìn vào mỗi một khía cạnh đó là có nên giữ lại và phát triển thành điểm du lịch nhằm phát triển kinh tế hay không?
Muốn duy trì hoạt động phố cà phê đường tàu cần rất nhiều vấn đề xung quanh mà phải có phương án và cơ chế đi kèm, hỗ trợ cho nơi này thì mới tốt lên, tạo được điểm nhấn. Còn như hiện tại chỉ là kinh doanh tự phát mà thôi, rất khó quản lý.
Ý kiến đóng góp của tôi đối với phương án giữ lại là cần giải quyết các vấn đề: ai quản lý và giám sát, quy định và phương án kinh doanh thế nào cho các quán cà phê, kinh doanh du lịch tại đây, chế tài cụ thể như thế nào nếu vi phạm, nguồn kinh phí cho cơ quan quản lý, nhân sự từ đâu ra; làm sao để phát huy hình ảnh du lịch nơi đây phát triển rộng hơn, khách du lịch biết nhiều hơn...?".
"Gọi là an toàn thì không có chỗ nào là 100% cả. Do đó, cần có những giải pháp sau:
1. Quan trọng nhất là chính quyền địa phương cần có cách quản lý hiệu quả, an toàn.
2. Tăng cường tuyên truyền về nhận thức, nhằm thay đổi thói quen nhận diện và đánh giá rủi ro về con người.
3. Tạo các công cụ cảm biến như chuông cảnh báo hay rào chắn mỗi khi tàu đến trong phạm vi an toàn có thể.
4. Xây dựng một hình ảnh đẹp về du lịch Hà Nội, tăng nguồn thu về thuế", độc giả Doicatman kết lại.
- 'Quản lý xóm cà phê đường tàu thay vì dẹp bỏ'
- Xóm cà phê đường tàu - 'bỏ thì thương, vương thì tội'
- Kinh tế không đi lên từ những quán cà phê bên đường tàu
- 'Chen chân vào bảo tàng còn hơn ra quán cà phê ngồi lướt điện thoại'
- Du lịch Việt 'tự sướng với những ngon, đẹp nhất thế giới'
- 'Đi nửa tiếng tìm quán bún bò khi du lịch Đà Nẵng'