"Tôi từng đến khu vực phố cà phê đường tàu và ngồi uống bia, uống cà phê để trải nghiệm cảm giác rất lạ. Tôi thấy đầu đường chỗ giao với đường bộ có rào chắn, người ngồi canh, và tàu đi qua lại ở khu vực này cực kỳ chậm. Cảm giác ngồi nhìn đoàn tàu khổng lồ chầm chậm đi tới, đèn màu vàng ấm, kèm với âm thanh rầm rầm như động đất của tàu chạy rất thú vị.
Xét về không gian, các hàng quán ở đây trang hoàng rất đẹp, mùa đông nhất là lúc Giáng sinh ngồi uống ly cà phê rất 'chill'. Giá cả cũng không quá đắt đỏ, tôi uống một chai bia ướp lạnh, bạn tôi uống một ly sinh tố xoài mà thanh toán hết hơn 100.000 đồng. Tóm lại là trải nghiệm ở đây khiến chúng tôi rất hài lòng và ấn tượng.
Tôi có nhiều khách hàng là người nước ngoài. Mỗi lần nói về Hà Nội, tôi hay giới thiệu với họ về phố cà phê đường tàu, cho họ xem video, hẹn họ tới đó vào một ngày nào đó. Những khách hàng của tôi đều cảm thấy rất hào hứng. Vậy nên, giờ nếu cấm hoạt động tại đây thì quả là đáng tiếc".
Đó là chia sẻ của độc giả Đường chân trời xung quanh câu chuyện "Cà phê đường tàu đông khách trở lại" bất chấp lệnh cấm hoạt động. Phố cà phê đường tàu nằm giáp ranh 3 phường Điện Biên (quận Ba Đình), Cửa Nam, Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm). Thực tế, dù đã có lệnh cấm từ năm 2019, con phố có thời điểm thưa khách nay đông đúc trở lại. Hôm 24/11, hàng trăm, có thời điểm hàng nghìn du khách đổ về các quán cà phê trong phố check in mỗi khi có chuyến tàu đi qua. Đáng nói, đa phần du khách là người nước ngoài.
>> 'Cà phê đường tàu không phải nét độc đáo du lịch Hà Nội'
Bày tỏ sự tiếc nuối khi phố cà phê đường tàu bị cấm hoạt động, bạn đọc Hải bình luận: "Chỉ là một đường tàu nhỏ bé với mấy quán cà phê đơn giản, nhưng đây thực sự là một 'chiếc chìa khóa' mở ra cơ hội phát triển du lịch cho Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Với lượng khách quốc tế từ nhiều đất nước, châu lục xa xôi kéo đến, đủ cho thấy sức hút của khu vực này. Hầu hết trong số họ luôn phải dành tối thiểu 7-10 ngày và có thể dài hơn cho hành trình du lịch tại một quốc gia.
Khi một khách quốc tế ấn tượng hay vì thấy rất nhiều video về phố cà phê đường tàu được chia sẻ khắp thế giới, họ sẽ bị thu hút và bắt đầu tìm hiểu tất cả các địa danh du lịch khác ở Việt Nam để thực hiện chuyến đi dài ngày. Rõ ràng, chỉ một chi tiết nhỏ có đủ sức hút cũng sẽ kéo cả ngành du lịch hưởng lợi theo.
Để có được một hình ảnh viral và nổi tiếng toàn thế giới như thế thực sự không hề dễ dàng đối với mọi quốc gia chứ chưa nói địa phương nào ở Việt Nam. Trước đây chúng ta có cầu Vàng khá nổi tiếng với khách quốc tế, nhưng tôi thấy phố cà phê đường tàu hiện nay còn hơn thế rất nhiều. Nếu tận dụng được, tôi tin du lịch Việt có thể vượt qua giới hạn bản thân để vươn lên top 1 ĐNA trong vài năm tới. Đó là một cách quảng bá du lịch hoàn toàn miễn phí, tại sao không tìm cách dung hòa thay vì cấm?".
Ủng hộ quan điểm quản lý, tận dụng thay vì cấm phố cà phê đường tàu, độc giả Steelfirebat nhận định: "Nếu không thể cấm khách du lịch, và đây cũng là cái thu hút khách đến Hà Nội thì nên để cho họ được tham quan một cách an toàn. Muốn vậy, tôi nghĩ nên làm những việc sau:
Thứ nhất, vạch một lằn ranh màu vàng cách đoàn tàu một khoảng an toàn, tránh bị tàu tông trúng. Sau đó, nhà quản lý có thể phổ biến đến khách du lịch để họ tuân thủ.
Thứ hai, tàu chạy qua khu vực này thường phải chạy tốc độ thật chậm, nên sẽ có đủ thời gian để du khách rời khỏi đường ray tới vị trí an toàn trước khi tàu đến.
Thứ ba, bắt buộc các hộ kinh doanh tại khu vực này phải chịu trách nhiệm nhắc nhở khách của mình tuân thủ quy định an toàn trên. Nếu sai phạm, dù chỉ một lần cũng sẽ bị đóng cửa tiệm ngay, vì tính mạng của khách không thể lấy lại được. Nếu hộ kinh doanh nghĩ khó quá thì đừng làm, không ai bắt buộc họ cả".
Phố cà phê đường tàu được nhiều tờ báo quốc tế đánh giá là điểm đến không thể bỏ lỡ khi tới Hà Nội. Những hộ dân quanh đây tận dụng không gian của gia đình làm nơi kinh doanh đồ uống và ăn vặt. Năm 2019, chính quyền TP Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng kinh doanh lấn chiếm lòng đường sắt, mất an ninh an toàn trong khu vực. Bảng cấm, rào chắn từng dựng ở nhiều nơi, nhưng khu vực này cứ vãn rồi đông trở lại.