Andriy cho rằng động thái này dường như làm giảm mối đe dọa về một một cuộc tấn công tổng lực của Nga vào Ukraine. Anh cũng vui mừng vì đã thắng màn cá cược với chị gái về động thái của Nga.
"Chị ấy cùng các con lên máy bay đến Ba Lan hôm 12/2, sau khi đọc tin tức về nguy cơ chiến tranh, nhưng tôi không tin điều đó, và tôi cũng muốn ở lại vì đã đặt lịch cắt tóc", Andriy chia sẻ khi đi dạo dưới ánh nắng trên con phố Khreshchatyk ở trung tâm Kiev chiều 15/2. "Chị em tôi đã đặt cược liệu Nga có tấn công hay không".
Giống Andriy, nhiều người Kiev gần đây bày tỏ hoài nghi về những cảnh báo mà Mỹ liên tục đưa ra rằng cuộc sống của họ sắp bị gián đoạn bởi hành động quân sự từ phía Nga. Thông tin đại sứ quán Mỹ ở Kiev hủy thiết bị, tài liệu trước khi đóng cửa để chuyển nhân viên đến Lviv khiến người dân liên tưởng đến những cuộc sơ tán khỏi các thành phố đang trên bờ vực chiến tranh.
Nhưng hầu hết người dân thủ đô Ukraine vẫn duy trì cuộc sống bình thường. Tối 14/2, các quán bar và nhà hàng chật kín những đôi tình nhân ngày Valentine. Một ngày sau đó, đường phố vẫn tấp nập người qua lại.
"Kiev vẫn yên ả. Đồng tiền quốc gia ổn định. Nhà hàng và siêu thị kín người. Những nhà ngoại giao rời đi được bù lại bằng lượng nhà báo đông đảo", cựu nhà ngoại giao Ukraine Olexander Scherba đăng Twitter.
Phóng viên khắp thế giới đã đổ về Kiev những tuần gần đây, khi Mỹ và phương Tây liên tục cáo buộc Nga chuẩn bị tấn công Ukraine. Thông báo rút quân hôm 15/2 của Nga cho thấy Moskva ít có khả năng hành động quân sự như những gì Washington cảnh báo.
Tuy nhiên, chính phủ Ukraine vẫn cảnh giác. "Ở Ukraine chúng tôi có một quy tắc: chỉ tin những gì mình thấy, không tin những gì mình nghe. Nếu Nga thực sự rút quân như tuyên bố, chúng tôi mới tin rằng tình hình đã bắt đầu hạ nhiệt", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đăng Twitter.
Nhưng ngay cả khi Nga rút quân, tin tức tối 15/2 về cuộc tấn công mạng nhằm vào một số ngân hàng Ukraine và trang web Bộ Quốc phòng cũng khiến nhiều người lo ngại. Các lãnh đạo Ukraine luôn tin rằng kiểu tấn công mạng này có khả năng xảy ra cao hơn so với kịch bản chiến tranh mà Mỹ đưa ra.
Bên trong sự bình yên ở thủ đô Kiev, nhiều người vẫn lên kế hoạch dự phòng tình huống khẩn cấp. Thị trưởng Vitaly Klitschko hôm 14/2 cho biết thành phố đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung cấp điện, hệ thống sưởi và nước sẽ không bị gián đoạn trong trường hợp một vụ tấn công xảy ra.
Chính quyền của ông đã công bố bản đồ cho thấy 4.500 hầm trú bom có thể được sử dụng trong trường hợp Kiev bị tấn công. Những hầm trú ẩn này hiện đã cải tạo thành cửa hàng, quán bar, thậm chí là câu lạc bộ thoát y, nhưng người dân vẫn có thể tới ẩn náu khi thành phố bị không kích. Một số người đã mua nước và thực phẩm để đề phòng trường hợp bị mắc kẹt trong nhà nhiều ngày.
Trong khi nhiều nhà ngoại giao nước ngoài được đưa về nước hoặc sơ tán đến thành phố Lviv, phía tây đất nước, nhiều người nước ngoài ở Kiev quyết định bám trụ, bất chấp cảnh báo "rời đi ngay lập tức" của chính phủ Mỹ và các đồng minh phương Tây.
"Bây giờ tôi vẫn ở đây. Đây là thành phố lớn, ngay cả khi người Nga bắt đầu hành động nào đó, tôi cũng không cho rằng ở lại đây là quá nguy hiểm", Bryan, doanh nhân Mỹ 48 tuổi đã sống ở Kiev 4 năm qua, cho biết. "Tôi thấy hơi lạ khi các nhà ngoại giao Mỹ rời đi nhanh như vậy. Tòa đại sứ đó như pháo đài, chắc chắn họ có nơi an toàn để trú ẩn".
Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/2 thông báo các đơn vị thuộc Quân khu phía Tây và phía Nam đang trở về căn cứ sau khi hoàn thành diễn tập gần Ukraine. Động thái này được đánh giá là nỗ lực của Nga nhằm hạ nhiệt căng thẳng, bày tỏ thiện chí trong đàm phán với phương Tây.
Tuy nhiên, lãnh đạo Mỹ, Anh, NATO vẫn hoài nghi động thái này của Nga, cảnh báo nguy cơ nổ ra chiến tranh "còn rất cao" và yêu cầu Moskva rút toàn bộ lực lượng gần biên giới Ukraine để chứng minh thiện chí. Nga chưa phản hồi trước những bình luận này.
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
Huyền Lê (Theo Guardian)