"Các nhà phân tích chỉ ra rằng họ vẫn duy trì mối đe dọa vô cùng lớn. Một cuộc tấn công rõ ràng vẫn có thể xảy ra", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu hôm 15/2, trong bối cảnh Nga vừa thông báo rút một phần lực lượng về căn cứ sau khi hoàn tất đợt diễn tập gần biên giới với Ukraine.
Ông chủ Nhà Trắng cho biết Mỹ và các đồng minh chưa xác minh bất cứ hoạt động rút bớt lực lượng nào của Nga, nói thêm rằng Washington ước tính 150.000 lính Nga vẫn hiện diện xung quanh Ukraine.
"Mỹ đã sẵn sàng cho mọi tình huống. Chúng tôi sẵn sàng ngoại giao và cũng sẵn sàng đáp trả quyết liệt nếu Nga tấn công Ukraine, tình huống vẫn còn rất nhiều khả năng xảy ra", Biden cho hay, đồng thời cảnh báo "những đòn trừng phạt mạnh mẽ".
Sau cuộc gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết "đương nhiên" Moskva không muốn chiến tranh, nhưng "không thể nhắm mắt làm ngơ" để Mỹ và NATO "diễn giải tùy tiện" nguyên tắc không nước nào được củng cố an ninh của mình mà làm phương hại đến an ninh nước khác.
Theo ông chủ Điện Kremlin, Mỹ và NATO đã từ chối yêu cầu của Nga về ngăn Ukraine gia nhập NATO, ngừng triển khai vũ khí đến gần biên giới Nga và rút lực lượng liên minh khỏi Đông Âu. Tuy nhiên, Washington và đồng minh đã đồng ý thảo luận về một loạt đề xuất an ninh mà phía Moskva đưa ra. Putin cũng bày tỏ sẵn sàng thảo luận các biện pháp xây dựng lòng tin với phương Tây.
Trong khi đó, Biden cho rằng "có những biện pháp thiết thực" để giải quyết lo ngại an ninh của cả hai bên. "Chúng ta nên tạo mọi điều kiện để nỗ lực ngoại giao thành công", ông nói.
Căng thẳng giữa Moskva và phương Tây leo thang từ cuối năm ngoái, khi Mỹ cùng nhiều đồng minh cáo buộc Nga điều động hơn 100.000 quân áp sát biên giới Ukraine với ý định tiến đánh. Tình báo Mỹ và phương Tây nhiều lần cảnh báo Nga có thể hành động quân sự với Ukraine "bất cứ lúc nào".
Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc, khẳng định mọi hoạt động quân sự sát biên giới phía tây là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh. Nga cũng cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay là kết quả khi Mỹ và Tây Âu phớt lờ những lo ngại an ninh chính đáng của họ.
Trong bài đăng trên mạng xã hội hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết "ngày 15/2/2022 sẽ đi vào lịch sử là ngày cỗ máy tuyên truyền chiến tranh của phương Tây thất bại". Một số hãng tin phương Tây trước đó dẫn các nguồn tin giấu tên cho rằng Nga sẽ tấn công Ukraine vào ngày 15/2, nhưng cuối cùng Moskva lại thông báo rút một phần lực lượng.
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Thế trận của Nga quanh Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Vì sao Mỹ liên tục cáo buộc Nga sắp tấn công Ukraine?
Ánh Ngọc (Theo AFP)