Đọc bài "Sai lầm bớt ly cà phê, nhịn tiền tiêu vặt để mua 18 cây vàng", tôi đồng ý với tác giả Tâm Chất. Một vài người có suy nghĩ khá cực đoan về tiết kiệm. Bớt ly cà phê, nhịn tiền tiêu vặt là tự giảm nhu cầu tiêu dùng. Tự giảm nhu cầu tiêu dùng thì bạn sẽ không có động lực mà kiếm tiền khi kinh tế suy thoái, làm sao bạn tiết kiệm được 18 cây vàng?
Bạn chỉ tiết kiệm được 18 cây vàng khi và chỉ khi từ lúc bạn bắt đầu giảm tiêu dùng đến khi bạn có 18 cây vàng, kinh tế và thu nhập của bạn luôn ổn định, không thay đổi trong suốt ngần ấy thời gian.
Trong suốt hơn 50 năm cuộc đời, tôi tự nghiệm ra rằng, cứ 10 năm liên tiếp, kinh tế có ít nhất một lần biến động. Mỗi lần kinh tế biến động là một lần thu nhập thay đổi, hoặc là tăng mạnh hoặc là giảm mạnh.
>> Nhịn tiêu vặt sẽ có 18 cây vàng dưỡng già
Tăng mạnh là do bạn thường xuyên đọc tin tức hàng ngày, cùng với kinh nghiệm sống, kiến thức kinh tế xã hội. Bạn đoán trước được sự việc, đi trước xã hội một bước trong việc đem tài sản "nổi" của bạn bỏ vào kênh trú ẩn hoặc đầu tư.
Giảm mạnh là với những người chỉ dựa vào thu nhập cố định, bàng quan với mọi biến động của xã hội. Khi biến động xảy ra mới biết thì đã quá trễ. Vào những lúc như thế, nếu bạn không kịp di chuyển vốn. Có khi 18 cây vàng mà bạn cực khổ tiết kiệm được sẽ bị "bốc hơi".
Thu nhập của bạn giảm mạnh, bạn sẽ bán số vàng ấy ra ăn dần để bù vào mức giảm của thu nhập.
Ví như dịch Covid này, không ít người đã phải bán số vàng mà họ tiết kiệm được để trang trải cuộc sống. Khi kinh tế phục hồi, bạn chỉ còn hai bàn tay trắng, tiết kiệm lại từ đầu trong khi người khác bắt đầu bung vốn ra làm ăn.
Tôi không cổ súy cho việc tiêu hoang. Bạn tiêu dùng phải có mục đích. Cho dù mục đích ấy đơn giản chỉ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân của bạn. Tiêu dùng không có mục đích là cái tiêu dùng ấy không nhằm để thỏa mãn bạn mà nhằm để thỏa mãn người khác. Nghe rất kỳ quái, đúng không?
Vậy mà có thật đấy. Bạn không thích nhậu. Bạn của bạn thích nhậu. Để giữ quan hệ tốt với người bạn đó, bạn buộc phải đi nhậu với anh ta. Nhậu mà kiếm ra tiền cũng ráng chịu cực mà đi. Nhậu mà chỉ làm cho ta tốn kém chi phí, tổn hại sức khỏe thì vì sao phải đi? Chỉ vì để duy trì một mối quan hệ thuần túy mang tính "tinh thần" thì có đáng không?
Hoặc là bạn đi đám cưới. Người ta mời bạn nhưng bạn lại không thân quen gì với người mời, cả năm không gặp mặt một lần. Quan hệ nhạt nhẽo như vậy thì vì sao phải đi?
>> 'Mua iPhone mới khiến bạn mất 510 triệu đồng nghỉ hưu'
Tiết kiệm là bạn dùng tiền có mục đích. Tiết kiệm không đồng nghĩa với "nhịn". Chữ "nhịn" gần gũi với hà tiện hơn. Người hà tiện là người xem tiền như mạng. Tức là, cuộc sống xung quanh anh ta có thay đổi như nào thì cuộc sống cá nhân của anh ta không thay đổi. Tiền mà anh ta để dành được chính là để dùng vào việc khi kinh tế khó khăn thì đem ra mà bù đắp cho sự thiếu hụt lúc ấy.
Còn khi kinh tế phát triển thì anh ta lại tiếp tục "nhịn" mà để dành tiền. Còn người tiết kiệm là anh ta muốn tích tụ vốn nhằm để mua một thứ gì đó mà thu nhập thường xuyên không mua nổi hoặc để đầu tư nhằm gia tăng thu nhập. Vậy, bạn là người tiết kiệm hay là người hà tiện?
Một xã hội toàn người tiết kiệm sẽ làm cho kinh tế phát triển, thậm chí bùng nổ với tốc độ chóng mặt khi có cơ hội. Một xã hội toàn người hà tiện thì kinh tế không phát triển được.
Tất nhiên xã hội luôn có người này người nọ. Điều quan trọng nhất với xã hội là, nhóm người nào là đám đông ? Đám đông là những người sẽ quyết định hướng đi của xã hội. Cho nên, trên diễn đàn, bạn đừng bao giờ nói, "mỗi người có một cách sống" hay "đừng dạy ai làm gì". Cách nói như thế có thể sẽ tạo nên một đám đông tiêu cực và bạn có thể sẽ là người lãnh đủ hậu quả - bạn mở tiệm mà người ta không mua đồ để về già họ có 18 cây vàng thì bạn sẽ kinh doanh thế nào?
Lâm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.