Ngày 10/10 vừa qua, ngày mà các kênh bán hàng online đẩy mạnh giảm giá, bán hàng sale thì trên mạng xã hội, tôi thấy ai cũng khoe đơn hàng đã đặt, rồi đăng status chờ shipper giao hàng. Lại có những người đặt hàng chục đơn cùng lúc và chờ nhận hàng từ từ.
Bạn của tôi làm môi giới bán hàng online cho các sàn thương mại điện tử nói rằng, chỉ riêng trong ngày 10/10, tỷ lệ chốt đơn quần áo, mỹ phẩm phụ nữ có thể lên đến 10%, tức là có 10 người click vào đường link thì có một người mua hàng.
Hoặc một người bạn khác của tôi khoe rằng đã chốt cùng lúc 12 đơn hàng online. Từ nồi chiên không dầu cho đến những phụ kiện điện thoại, cùng một số mặt hàng lặt vặt khác.
Ở khía cạnh thực phẩm, đồ ăn, có lẽ sau mấy tháng giãn cách ăn uống đạm bạc, ít có được lựa chọn nên giờ đây, tôi lại thấy những cửa hàng trà sữa, bánh mì 50-60 nghìn đồng đắt đơn đặt hàng và nhiều người rồng rắn xếp hàng đi mua.
Thành phố đã trở về trạng thái bình thường mới được hai tuần, đường sá bắt đầu nhộn nhịp và hàng quán mở quán trở lại. Đây là những tín hiệu lạc quan mà chúng ta có thể thấy ngay trước mắt.
Nhiều người đã có thể mua sắm, chi tiêu bình thường trở lại. Nhưng tôi tự hỏi, sao họ sao thay đổi nhanh thế. Chỉ mới mấy tuần trước đây thôi, nhiều bạn bè của tôi liên tục than vãn nào là hết tiền, lương chậm, rồi hỏi cách nhận tiền hỗ trợ. Rồi tiếp theo, họ lại ỉ ôi, tỏ ra hối hận vì chi tiêu phóng túng, ít chịu để tiết kiệm lúc bình thường. Nhưng bây giờ, ngay sau khi bình thường mới được ít lâu họ lại lao vào mua sắm, chi tiêu vội vã như chưa hề có gì xảy ra.
Tôi đồng ý là mọi người chịu vung tay chi tiêu vừa kích cầu mua sắm, phục hồi nền kinh tế nhưng cần phải xài đúng nơi đúng chỗ. Cần có ý thức tiết kiệm được chứ không nên tiêu xài vô tội vạ như vậy. Có thể xem mua sắm như một liệu pháp giải toả tâm lý sau thời gian giãn cách, nhưng cũng đừng quên những bài học đắt giá của những người không có tiền tiết kiệm giai đoạn vừa qua.
Hoàng Anh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.