Xin bác sĩ cho biết vaccine này có tác dụng bảo vệ người già như thế nào? (Trần Trọng Đại, Bình Thạnh, TP HCM)
Trả lời:
Dữ liệu về tính an toàn, khả năng sinh miễn dịch và hiệu lực của các vaccine phòng Covid-19 trên nhóm những người lớn tuổi có và không mắc bệnh nền đều cho thấy lợi ích của tiêm chủng vượt trội hơn rủi ro tiềm ẩn. Ngoài ra, tiêm vaccine còn giúp ngăn ngừa bệnh trở nặng dẫn đến tử vong ở người già nếu chẳng may nhiễm virus gây Covid-19.
Cụ thể, với vaccine AstraZeneca: Một nghiên cứu giám sát ở Anh đến cuối tháng 4/2021 ước tính ít nhất 33.000 ca nhập viện đã được ngăn ngừa ở những người từ 65 tuổi trở lên, nhờ chương trình tiêm phòng Covid-19. Các nhà nghiên cứu phát hiện vaccine AstraZeneca hiệu quả 60% trong việc ngăn ngừa nhiễm virus ở những người trên 70 tuổi. Trong khi Pfizer có hiệu quả 61% ở nhóm tuổi tương tự. Vaccine AstraZeneca tiếp tục giữ khả năng bảo vệ này trong ít nhất sáu tuần tiếp theo.
Một liều vaccine AstraZeneca giúp giảm 73% khả năng nhập viện liên quan đến Covid-19 ở những người từ 80 tuổi trở lên; giảm 80% trong việc ngăn ngừa nhập viện ở người già từ 80 tuổi trở lên có mắc các bệnh mạn tính đi kèm.
Vaccine Moderna, Pfizer: Các nghiên cứu cho thấy trên nhóm người lớn tuổi ≥ 65 tuổi, tiêm đủ hai mũi vaccine Pfizer sẽ giúp giảm 94,7% nguy cơ mắc Covid-19 có triệu chứng. Hiệu quả tương tự ở vaccine Moderna là giảm 86,4% nguy cơ mắc Covid-19 có triệu chứng.
Tại Mỹ, khi tiêm đủ hai mũi Moderna hoặc Pfizer, hiệu lực bảo vệ người già ≥ 65 tuổi không nhập viện do Covid-19 là 94% (so với người già cùng độ tuổi không được tiêm vaccine).
Khi vaccine phòng Covid-19 được triển khai tiêm đại trà trong cộng đồng, các nghiên cứu về tính hiệu quả của vaccine trong thế giới thực (real-world effectiveness) cũng cho thấy hiệu quả cao và an toàn ở nhóm tuổi người già, kể cả những người rất cao tuổi (> 85 tuổi).
Theo Lộ trình ưu tiên phân bổ vaccine của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO Prioritization Roadmap), trong bối cảnh nguồn cung vaccine còn hạn chế, tại những nơi có sự lây nhiễm trong cộng đồng, WHO khuyến cáo ưu tiên tiêm trước cho nhân viên y tế có nguy cơ tiếp xúc cao và người cao tuổi, gồm những người từ 65 tuổi trở lên có hoặc không có bệnh lý nền.
Theo đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 đưa ra 16 nhóm đối tượng ưu tiên được tiêm trong kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022. Trong đó, người trên 65 tuổi và người mắc bệnh mạn tính (như bệnh thận mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người có tình trạng béo phì...) sẽ được ưu tiên tiêm tại các các bệnh viện để đảm bảo công tác cấp cứu.
Người dân có thể đăng ký theo bản giấy tại phường hoặc đăng ký online (trực tuyến) trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 hoặc trên ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" cho điện thoại. Căn cứ vào đăng ký của người dân, từng địa phương sẽ lọc cụ thể từng đối tượng theo chỉ đạo của Sở Y tế, phân loại, đối chiếu quản lý nhân khẩu tại địa phương để xây dựng kế hoạch tiêm chủng phù hợp với phân bổ vaccine.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh
Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM