Trả lời:
Khả năng nhiễm bệnh, nguy cơ nhập viện, nguy cơ diễn tiến nặng trong điều trị Covid-19 thường tăng ở người cao tuổi. Nguyên nhân là ở người cao tuổi, hàng rào bảo vệ hệ miễn dịch bị suy giảm so với người trẻ tuổi, nên virus dễ dàng xâm nhập, nhân lên, gây tổn thương. Hệ thống đáp ứng miễn dịch kém kéo theo không kiểm soát được các cơn viêm, các triệu chứng nặng xảy ra thúc đẩy các bệnh đồng mắc nặng hơn.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế hiện nay, người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính thuộc nhóm ưu tiên trong 16 nhóm được tiêm chủng phòng ngừa. Theo thống kê của nhiều nước trên thế giới, nhóm này tiêm vaccine sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh, nguy cơ nhập viện và nguy cơ tử vong.
Tuy nhiên người trên 65 tuổi, người có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào, tiền sử bệnh nền mạn tính đang điều trị ổn, tiền sử giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu, đang dùng thuốc chống đông, cần tiêm chủng theo dõi tại bệnh viện.
Hiện nay, tùy chỉ định, chống chỉ định của từng loại vaccine và nhà sản xuất, người bệnh và nhân viên y tế nên sàng lọc khai báo đầy đủ để được theo dõi đúng.
Dưới đây là các nhóm người cao tuổi thường được nhân viên y tế thăm dò trước khi tiêm chủng phòng ngừa.
Tim mạch
Những người đang có các bệnh lý tim mạch nên tiêm chủng tại bệnh viện, để theo dõi và xử trí kịp thời các tác dụng phụ nặng như phản vệ, viêm màng ngoài tim... nếu có xảy ra sau tiêm. Bệnh nhân tim mạch tiêm chủng Covid-19 sớm sẽ giảm nguy cơ thúc đẩy bệnh nghiêm trọng phải nhập viện.
Trừ các chống chỉ định, tiêm vaccine sớm ở người mắc bệnh tim mạch sẽ có lợi hơn so với không tiêm.
Đái tháo đường
Người cao tuổi bệnh đái tháo đường dễ mắc nCoV hơn so với người không bị đái tháo đường, triệu chứng cũng nặng nề hơn do không kiểm soát được đường huyết làm giảm miễn dịch của cơ thể. Do đó tiêm vaccine Covid-19 cho nhóm này là cần thiết.
Bệnh gan mạn tính
Theo nghiên cứu, bệnh nhân gan mạn tính nên được ưu tiên tiêm chủng phòng ngừa Covid-19. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, các trường hợp xơ gan mất bù, ung thư gan giai đoạn cuối đã cắt lách, cần trì hoãn tiêm chủng.
Bệnh cơ xương khớp mạn tính
Các thuốc kháng viêm, corticoid mà người mắc các bệnh cơ xương khớp đang dùng có thể làm giảm đáp ứng hiệu quả của vaccine Covid 19.
Do đó, quyết định có tiêm chủng khi đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hay không tùy thuộc vào liều đang sử dụng và thời gian sử dụng thuốc của từng người. Người đang dùng các thuốc này với liều 20mg/ngày trong vòng 2 tuẩn trở lên và trên 40mg/ngày trong một tuần trở lên, không được phép tiêm vaccine Covid-19 vì đây là liều ức chế miễn dịch.
Như vậy, người cao tuổi kèm hay không kèm bệnh nền, không phải là nhóm chống chỉ định trong tiêm chủng phòng ngừa Covid-19, mà là đối tượng ưu tiên.
Bác sĩ Lê Nhất Duy - bác sĩ Bùi Phạm Minh Mẫn
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, Cơ sở 3