Trả lời:
Ho gà là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp thông qua giọt bắn khi ho, hắt hơi, tiếp xúc gần. Một người nhiễm bệnh có thể lây cho 12-17 người. 90% người trong cùng hộ gia đình không có miễn dịch sẽ nhiễm bệnh nếu một thành viên mắc ho gà.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở người chưa tiêm chủng, tiêm chưa đủ hoặc suy giảm miễn dịch do lớn tuổi, mắc bệnh lý nền. Như vậy người trung niên, cao tuổi cũng có thể mắc ho gà.
Ở người lớn, các triệu chứng ho gà không điển hình như trẻ nhỏ và dễ bị chẩn đoán nhầm thành bệnh cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp khác. Người lớn nên khám, xét nghiệm tác nhân khi có các biểu hiện ho dai dẳng, ho về đêm... Khi không điều trị kịp thời, ho gà ở người lớn có thể dẫn đến các nguy cơ như mất ngủ, ngất, gãy xương sườn, mất kiểm soát bàng quang, sụt cân, viêm phổi nặng.
Tiêm ngừa là biện pháp phòng bệnh chủ động, an toàn và mang lại hiệu quả cao. Vaccine ngừa ho gà phổ biến trong các chương trình tiêm chủng cho trẻ và người lớn.
Người trưởng thành ngừa ho gà bằng vaccine phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván, tiêm nhắc mỗi 10 năm sau lịch tiêm cơ bản. Bác sĩ sẽ dựa vào lịch sử tiêm chủng và tình trạng sức khỏe của từng cá nhân để đưa ra chỉ định tiêm phù hợp.
Trường hợp bạn không rõ lịch sử tiêm chủng, cần tiêm vaccine 3 trong 1 ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván với phác đồ ba mũi tiêm trong 7 tháng. Nếu bạn đang điều trị bằng thuốc hoặc biện pháp y tế khác, cần cung cấp thông tin cho bác sĩ ở bước khám sàng lọc để có chỉ định tiêm ngừa phù hợp.
Bên cạnh đó, để phòng ho gà, bạn và gia đình cần chú ý các biện pháp phòng bệnh như giữ khoảng cách khi đến nơi đông người, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh nhà cửa thông thoáng và giữ vệ sinh cá nhân.
BS.CKI Nguyễn Lê Nga
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi để bác sĩ trả lời tại đây.