Theo BS.CKI Nguyễn Lê Nga, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, nhiều người hiểu nhầm ho gà chỉ gặp ở trẻ em nhưng thực tế bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Trong đó người lớn tuổi đặc biệt dễ gặp biến chứng nghiêm trọng, tăng nguy cơ nhập viện nếu mắc bệnh.
Bác sĩ Nga cho biết người lớn mắc ho gà ít gặp cơn ho điển hình như trẻ nhỏ hoặc không có triệu chứng. Các triệu chứng có thể bắt đầu như sổ mũi, sốt nhẹ, mệt mỏi và ho nhẹ khiến bệnh dễ nhầm lẫn với viêm đường hô hấp thông thường. Các cơn ho thường kéo dài trên 7 ngày. Một số trường hợp không điều trị kịp thời có thể diễn tiến nặng với triệu chứng ho dữ dội kéo dài, kiệt sức sau cơn ho, khàn tiếng.
Mới đây Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận bệnh nhân 61 tuổi mắc ho gà trên nền bệnh đa u tủy xương sau nhiều năm không có ca mắc ở người lớn. Trước đó, bệnh nhân ho khan kéo dài nhiều ngày, điều trị kháng sinh không đỡ và có tình trạng viêm phổi nhẹ.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ, ho gà kéo dài ở người lớn có thể gây ra tình trạng viêm phổi, viêm phế quản phổi do bội nhiễm, sút cân, ngừng thở, mất ngủ, tiểu không tự chủ, gãy xương sườn khi ho nặng... và tử vong.
Bác sĩ Nga chỉ ra các đối tượng suy giảm miễn dịch do lớn tuổi, mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, suy thận, phổi tắc nghẽn mạn tính... có nguy cơ diễn tiến nặng, kéo dài thời gian nằm viện và tăng chi phí điều trị khi mắc ho gà. Bên cạnh đó, người lớn tuổi còn mang vi khuẩn và phát tán mầm bệnh cho trẻ nhỏ và người thân trong gia đình.
Nghiên cứu đăng trên Thư viện Y tế Quốc gia Mỹ cho thấy tỷ lệ mắc ho gà ở người trên 50 tuổi đã tăng lên từ năm 2006-2010. Tỷ lệ mắc ho gà cũng tăng theo độ tuổi, trung bình lần lượt là 2,1 trên 100.000 người với nhóm 50-64 tuổi và 4,6 trên 100.000 người với nhóm trên 65 tuổi. Cùng với đó, nghiên cứu trên hơn 5.7000 bệnh nhân chỉ ra bệnh ho gà gây gia tăng đáng kể chi phí chăm sóc y tế khi mỗi ca điều trị ngoại trú mất trung bình gần 2.000 USD và gần 15.000 USD để điều trị một ca điều trị nội trú.
Theo bác sĩ Nga, ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis, gây viêm phổi, suy hô hấp, ngừng thở, lồng ruột, thoát vị ruột... 90% số ca mắc và tử vong là trẻ dưới 1 tuổi.
Ho gà lây lan nhanh hơn virus cúm, một người có thể lây cho 12-17 người. Bệnh có triệu chứng dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác. Cụ thể, đối với người ho do cảm lạnh, cúm thường bắt đầu với triệu chứng chảy mũi, ngạt mũi và ho. Đối với người mắc ho gà, các triệu chứng điển hình là ho từng cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần. Đặc biệt, cơn ho xuất hiện nhiều làm người bệnh yếu dần như ngừng thở, mặt tím tái, mặt đỏ, chảy nước mắt, nước mũi.
Tỷ lệ tiêm chủng thấp trong dân số chung và ở người trưởng thành là một trong những nguyên nhân khiến bệnh ho gà gia tăng. Chỉ có 30% người trưởng thành ở Mỹ đã tiêm vaccine ho gà trong 10 năm qua. Tại Mỹ, trong 6 tháng đầu năm 2024, số ca ho gà được báo cáo hơn gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2023. Tại Anh, từ đầu năm đến cuối tháng 7/2024, nước này đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc và một nửa trong số này là trên 15 tuổi.
Bác sĩ Nga khuyến cáo kháng thể từ vaccine ho gà suy giảm theo thời gian, sau các mũi tiêm đầu đời, mọi người cần tiêm vaccine nhắc lại theo các cột mốc khuyến cáo. Người lớn cũng cần chú ý tiêm đủ mũi và đúng lịch vaccine để tránh mắc bệnh và trở thành nguồn lây, góp phần tạo miễn dịch cộng đồng.
Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), CDC Mỹ, Bộ Y tế đều đưa ra khuyến cáo người lớn, người già và người có bệnh nền cần tiêm một mũi vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván, sau đó duy trì tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm để củng cố miễn dịch. Vaccine cung cấp hiệu quả bảo vệ đến 97%, ngăn mắc bệnh và trở nặng. Ngoài ra, trẻ tiền học đường 4-6 tuổi, thanh thiếu niên 9-15 tuổi cần tiêm nhắc một mũi vaccine, sau đó tiêm nhắc mỗi 10 năm. Với phụ nữ mang thai, tiêm vaccine sẽ giúp truyền kháng thể bảo vệ trẻ khi chưa đến tuổi tiêm chủng. Nghiên cứu cho thấy tiêm vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván có hiệu quả bảo vệ 92% đối với trẻ sơ sinh.
Bên cạnh tiêm ngừa, người dân cần kết hợp thêm nhiều biện pháp phòng ngừa như: không tiếp xúc với người bệnh, ca nghi nhiễm; khi đến nơi đông người cần giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với xà phòng, súc họng miệng với nước muối sinh lý, giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống. Khi có các biểu hiện ho kéo dài, không đáp ứng thuốc thông thường, người dân cần đi khám bệnh để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Trước tình hình bệnh ho gà đang diễn biến phức tạp, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC tiếp nhận nhiều người trưởng thành, người già đến tiêm chủng vaccine ho gà. Hiện hệ thống đang có đầy đủ các loại vaccine 3 trong 1, 4 trong 1, 5 trong 1 và 6 trong 1 có thành phần phòng ho gà cho trẻ em và người lớn.
Mộc Thảo