Con chó dữ dằn này là thú cưng của một gia đình tầng trên. Chung cư anh ở không quy định rõ ràng về việc kiểm soát vật nuôi. Con vật từng tấn công người và thú nuôi trong khu nhà. Nhiều lần thấy vẻ mặt thiếu thân thiện của nó trong thang máy, anh cẩn thận đứng xa hoặc chờ thang khác. Nhưng lần này, không để ý, anh bị nó tấn công khi vừa bước vào. Vốn có võ, bạn tôi đá con chó ra, nó xông vào đớp anh lần nữa. Nếu chủ chó không kịp nắm vòng cổ kéo lại, anh có thể đã bị cắn tiếp.
Anh sau đó phải tự đi tiêm phòng và không nhận được dù chỉ một lời xin lỗi của người nuôi chó.
Bạn tôi phàn nàn về ý thức chủ chó, còn tôi cho rằng việc chung cư không có quy định mới là ngọn nguồn vấn đề.
Một lần dắt con gái đi siêu thị ở Australia, bố con tôi bị một con chó lực lưỡng tiến lại gần. Con vật không được rọ mõm, nhe răng thè lưỡi ra gầm gừ. Con gái tôi sợ cứng người, không động đậy, tôi vội kéo cháu ra phía sau và yêu cầu người chủ giữ khoảng cách an toàn. Tôi phản ánh sự việc với nhân viên siêu thị và viết thư cho quản lý. Cuối cùng, tôi nhận được điện thoại xin lỗi của nhân viên chăm sóc khách hàng. Họ trích xuất camera và phát hiện con chó thuộc giống Dogo, một trong năm loại chó bị quản lý (Pitbull, Dogo, Fila, Tosa, Presa) phải có rọ mõm khi ra đường. Theo luật bang Queensland, nếu chó có biểu hiện gây sợ hãi, có tiền sử tấn công người, hoặc là một trong năm loại trên thì phải đeo rọ mõm nơi công cộng. Nhân viên siêu thị đã không để ý điều này.
Rõ ràng, việc đảm bảo an toàn là trách nhiệm của quản lý siêu thị, chung cư... Để người dân tự đưa ra yêu cầu này với chủ chó sẽ là điều phi lý và có thể dẫn tới xung đột căng thẳng giữa người với người.
Ngoài ra, chính quyền không thể thoái thác trách nhiệm. Người dân một số nơi như Brisbane không được nuôi năm loại chó kể trên, nếu nuôi mà chính quyền phát hiện sẽ tịch thu và phạt. Các loại chó khác nếu có biểu hiện hung dữ hoặc tiền sử tấn công người và động vật, chủ phải đóng một khoản phí theo dõi, đánh giá. Tất cả các loại chó đều được gắn chip định danh.
Luật pháp rõ ràng, người dân có ý thức và chó cũng được huấn luyện, vậy mà từ 2018 tới nay, Australia vẫn có mười vụ chó cắn chết người. Nạn nhân gồm bốn trẻ em dưới 5 tuổi, hai người già trên 70, còn lại là trung niên hơn 40 tuổi. Sáu vụ trong đó là do chó bull.
Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 400-500 nghìn người bị chó mèo cắn và phải tốn 300 tỷ đồng để điều trị dự phòng vaccine dại. Luật đã quy định phạt người mang chó mà không xích giữ, nhưng việc thực thi không đầy đủ. Chủ chó thường chỉ bị phạt khi tình huống cắn người nghiêm trọng. Giải pháp được nhiều người đề xuất là phối hợp giữa nâng cao ý thức người dân và kiểm soát của chính quyền, ban đại diện dân cư...
Riêng tôi cho rằng không thể trông đợi vào ý thức chủ chó. Chó dữ vẫn thường xuyên cắn người, ngay cả khi chủ chó vừa dứt lời: "Nó không làm gì đâu".
Tôi không phản đối việc nuôi chó. Chó mèo ngày nay đã được xem là thành viên thân thiết của nhiều gia đình, là người bạn tốt của trẻ nhỏ hoặc liệu pháp tinh thần cho người lớn tuổi, người sống cô độc. Nhưng chó dữ hoặc chó có tiền sử tấn công người cần được kiểm soát nghiêm ngặt. Ở nhiều nước trình độ dân trí cao, quản lý chó luôn là việc của chính quyền. Một số nơi chỉ cho phép nuôi chó dữ ở những vùng trang trại hoang vu.
Tôi biết trong suy nghĩ của nhiều người nuôi chó, nếu chó của họ cắn người, chỉ cần xin lỗi là xong. Nhưng với người bị cắn hoặc người mang nỗi sợ sống chung với chó dữ, chỉ xin lỗi thôi là không đủ.
Tô Thức