Câu chuyện "Hà Nội lập gần 600 đội săn bắt chó thả rông" đang thu hút được sự quan tâm của cộng đồng trong thời gian gần đây. Cá nhân tôi cho rằng, vấn nạn để chó thả rông, không đeo rọ mõm, phóng uế bừa bãi gây bức xúc xã hội từ trước tới giờ thuộc về ý thức của người nuôi.
Muốn tạo nên một xã hội văn minh, trước hết chúng ta phải có luật lệ, nền tảng giáo dục và thói quen. Nuôi chó cũng vậy, không phải một sớm một chiều là người dân có ý thức ngay được. Muốn thế, trước hết, nhà nước cần có quy định về hoạt động nuôi chó mèo, kèm theo các văn bản hướng dẫn cụ thể để người dân làm quen dần với những điều không được phép làm.
Tôi có cơ hội làm thêm ở một tiệm bán thú cưng tại Nhật Bản và cũng có kinh nghiệm nuôi chó ở đó, nên xin chia sẻ một số vấn đề liên quan đến việc nuôi chó tại đất nước này:
Ở Nhật, khi đi dạo với chó, điều căn bản nhất là tất cả vật nuôi đều phải đeo dây xích cổ, không được phép thả rông, chó đeo rọ mõm hay không hoàn toàn lệ thuộc vào người chủ. Tuy nhiên, nếu một khi để chó của mình cắn người, gây tai nạn thì chủ chó sẽ buộc phải đền bù thiệt hại ở mức rất cao. Việc đánh mạnh vào kinh tế khiến mọi người đều tự ý thức được hành động của mình, nếu chó quá dữ dằn thì họ phải tự giác đeo rọ mõm hay tránh chỗ đông người, nếu không muốn gặp họa.
>> Mỗi ngày ba lần bị chó phóng uế trước cửa
Chủ chó cũng có nghĩa vụ mỗi năm phải đưa chó đi chích ngừa bệnh dại một lần ở bệnh viện thú y. Xin nói thêm rằng, hiện nay, cho dù Nhật Bản đã không còn tồn tại bệnh chó dại từ năm 1954, nhưng việc chích ngừa vẫn được áp dụng.
Cứ mỗi đầu năm, thành phố sẽ gửi thư, kèm theo phiếu thông báo chích ngừa tới tận nhà những người đã đăng ký nuôi chó, để nhắc nhở họ cho vật nuôi đi chích ngừa. Khi đi tới phía bệnh viện, người nuôi chó sẽ giữ lại phiếu thông báo và đóng dấu để gửi trả lại cơ quan quản lý của thành phố, như một hình thức xác nhận chó của mình đã được chích ngừa, tránh bị xử phạt.
Nói chung, muốn làm được một cách quy củ, có hệ thống như vậy, sẽ mất rất nhiều thời gian để tất cả người dân từ từ thay đổi nhận thức về cách nuôi chó văn minh. Tôi cần chia sẻ những điều này hy vọng cung cấp thêm cho những người chưa có kiến thức và nhận thức hiểu thế nào là văn hóa nuôi chó.
Trách nhiệm và ý thức của người Nhật cũng đều xuất phát từ nền tảng giáo dục và xã hội mà ra. Hy vọng người Việt có thể lắng nghe, học hỏi và thay đổi suy nghĩ, thói quen của mình, từng bước ý thức hơn trong hoạt động nuôi thú cưng nói chung và nuôi chó nói riêng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.