Con cái độc lập không có nghĩa là con 18 tuổi thì cha mẹ đuổi ra khỏi nhà không nhìn ngó tới hay là ông bà già thì chỉ vào viện dưỡng lão, con cái không lo cho.
Vậy thì cha mẹ Tây đối xử với con như thế nào lúc con 18 tuổi? Thật ra trẻ em Tây phương lúc nhỏ được dạy các kỹ năng sống cần thiết, như là làm việc nhà, cân đối việc ăn uống, kỹ năng phòng vệ tai nạn, bơi lội, kỹ năng mềm trong công việc, định hứơng nghề nghiệp.
Khi tới 18 tuổi thì cha mẹ đa phần có định hướng cho con sẽ vào đời thế nào. Có gia đình định hướng cho con học đại học thì có thể là cha mẹ đã có một quỹ đầu tư cho con từ nhỏ để giúp con đi học đại học, cũng có thể là cha mẹ sẽ giúp thêm cho con khi đang học. Con cái cũng có thể mượn khoản nợ sinh viên và đi làm thêm để có sinh hoạt phí. Hầu hết sinh viên đều phải nhờ vào vài khoản, như mượn nợ sinh viên, cha mẹ cho chút ít, và đi làm thêm để sống.
>> Bài viết cùng tác giả: Cha mẹ Mỹ đang phải nuôi con 'boomerang'
Khi đi học đại học thì đa phần sẽ xa nhà, thuê nhà cùng các bạn hay ở trong ký túc xá, tự chăm sóc bản thân và chăm lo học hành. Sinh viên cũng sẽ tự do hẹn hò và chăm lo cho sức khỏe sinh sản, nói trắng ra là tự chăm lo ngừa thai để không phải vỡ kế hoạch mà gặp khó khăn trong cuộc sống. Nữ giới có thai khổ đã đành, mà nam giới làm cho bạn gái có thai ngoài ý muốn thì sẽ phải đóng tiền nuôi con suốt 18 năm chứ đừng hòng quất ngựa truy phong, nên ai ai cũng phải cẩn thận.
Sau khi ra trường thì thanh niên Tây sẽ tự tìm việc làm, tiếp tục thuê trọ và có thể là sẽ kết hôn hay bắt đầu sống thử. Khi dành dụm được chút ít thì họ sẽ lo mua nhà. Một số sẽ học thêm lên cao, sau cùng là sinh con.
Trong toàn bộ quá trình phát triển ấy, cha mẹ sẽ ngưng can thiệp vào đời sống hằng ngày của con khi 18 tuổi. Thời gian học đại học, cha mẹ đa phần vẫn giúp đỡ tài chính cho con. Nếu không có điều kiện hay không muốn giúp đỡ thì ít ra cũng sẽ cho con hay và giúp con tìm kiếm các khoản vay hay việc làm. Mua nhà, cưới xin và sinh con thì tự lo, tuy là một số gia đình thì nhà gái vẫn bỏ tiền ra làm tiệc cưới.
Các bạn trẻ không đi học đại học cũng trải qua quá trình tương tự nhưng sẽ thay thế bằng việc đi học nghề hay đi xin các công việc lao động phổ thông. Nói tóm lại là không phải cứ 18 tuổi là đẩy con ra đường, thay vào đó là một bệ phóng với tri thức, định hướng nghề nghiệp, một số tiền nhất định bằng cách này hay cách khác.
>>Những lý do khiến một người Mỹ bỗng thành nghèo khổ
Điều quan trọng nhất là giới trẻ phương Tây ít khi sống cùng cha mẹ khi đã kết hôn hay có con. Nếu có thì đa phần là do gia đình quá nghèo, phải sống chung với nhau để tiết kiệm chi phí. Bạn có thể hỏi các gia đình Việt Nam ở Mỹ, những gia đình vẫn còn trong giai đoạn phấn đấu vươn lên thì vài thế hệ sẽ sống chung với nhau, chứ ai có điều kiện sẽ sống riêng.
Vậy thì con cái đối với cha mẹ già sẽ như thế nào? Khi sống riêng thì cũng như mọi gia đình của Việt Nam, ngày lễ tết sẽ về quê, con cái cháu chắt sẽ thỉnh thoảng về thăm ông bà. Người phương Tây ít biếu tiền nhưng cũng có quà cho cha mẹ nhân dịp này dịp kia. Những gia đình mà con cái bỗng giàu có hơn cha mẹ nhiều thì con sẽ cho cha mẹ những khoản hậu hĩnh hơn, nói chung là tùy điều kiện. Tôi tiếp xúc với một số gia đình mà con thành đạt hơn hẳn cha mẹ, giàu sụ với hàng triệu đôla thì họ cũng cho cha mẹ nhiều hơn.
Khi cha mẹ già yếu không thể tự chăm sóc bản thân được nữa là lúc chuyện đi viện dưỡng lão mới trở thành đề tài. Với nhiều gia đình con cái sống gần bên, vẫn thường qua lại chăm nom cha mẹ. Có điều kiện thì thuê người giúp việc theo giờ hay thuê y tá tới thăm hằng ngày để chăm sóc. Có gia đình thì con cái ghé qua để chăm sóc cha mẹ hằng ngày. Những ai không ở gần hay cha mẹ quá già yếu, con cái không thể hằng ngày chăm sóc cha mẹ được thì mới phải vào viện dưỡng lão. Nhiều người già lại thích vào viện hơn vì các nhân viên có chuyên môn hơn, ở chung với các bạn già vui hơn, và họ không muốn phiền con cái phải tất tả vì mình.
Khi vào viện thì thật ra con cháu vẫn thăm nom thường xuyên, lễ tết đón về để ăn tết ở nhà con cháu. Gần đây do Covid nên các viện dưỡng lão không cho ai vào thăm, vào ngày lễ họ tổ chức cho các cụ ngồi ngoài sân sưởi nắng. Con cái lái xe hơi ngang cầm hoa, bong bóng bay và biểu ngữ chúc mừng các cụ, vẫy tay chào, cũng coi như là con cháu tới thăm.
>> Hiếu thảo không phải là nghĩa vụ
Giáo dục độc lập của phương Tây là vậy. Nó là nền giáo dục để con cái có đủ khả năng sống tự lập khi lớn lên, nhưng cái sự tự lập đấy là hai chiều: cho con vừa đủ để tự kiếm sống và cha mẹ không đòi hỏi con phải làm theo ước muốn của mình. Cha mẹ đưa con lên bệ phóng với kỹ năng và tiền bạc để đẩy con đi chứ không vứt con ra ngoài cửa. Khi về già thì cha mẹ sẽ cậy nhờ tiền bạc của bản thân và nhận sự chăm sóc tinh thần của con cái.
Tất nhiên quy trình này là tương đối nhưng nó cũng là đại ý của chương trình chăm nuôi mà cha mẹ phương Tây đối với con mình. Ở Việt Nam cũng đã có khá nhiều gia đình đã chăm lo cho con theo kiểu này, chỉ là họ không biết là mình cũng giống Tây mà thôi.
Và để cha mẹ bớt phiền lòng về chuyện con cái độc lập thì cha mẹ chỉ nên nhớ rằng, con cái lớn lên ra ở riêng là phước lộc của mình vì con không phải bám váy của mẹ nữa. Con ra riêng thì mình không nên can thiệp vào đời sống hằng ngày của con, chỉ việc nào quá lớn thì mới khuyên nhủ.
Con có nghề nghiệp thì quan trọng hơn là có của cải, cho con nhà hay tiền mua nhà thì cũng nên tùy vào khả năng, không nên bỏ cả tiền dữơng già của mình cho con.
Sau rốt, các bậc phụ huynh nên nhớ rằng, cái gì cho đi thì sẽ không bao giờ trở lại, con cái không phải là một trương mục đầu tư mà là niềm vui. Nhìn nhận như vậy thì cha mẹ Việt sẽ bớt thất vọng về những đứa con quý hóa của mình.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Khanh Huỳnh