Sau khi lễ Vu Lan kết thúc, tôi mới suy nghĩ về chữ hiếu.
Hiếu thảo là một truyền thống tốt. Nó có mặt ở mọi nên trên thế giới, con cái được khuyến khích đối xử với cha mẹ bằng lòng kính trọng và yêu thương. Nhưng dường như chỉ có truyền thống Á Đông là đưa cha mẹ lên ngang hàng với Phật. Ở các nền văn hóa khác, các bậc thần linh là khác, cha mẹ là khác. Cha mẹ chỉ là con người, không thể đem lên thờ và thờ cha mẹ không phải là tu hành.
Có lẽ vì vậy mà chữ hiếu trong tâm trí người Việt Nam đôi khi hơi cực đoan và trong nhiều trường hợp biến tướng. Tác hại lớn nhất của chữ hiếu biến tướng là nó khiến nhiều người trở nên bất hiếu và tạo ra những cha mẹ phá hoại.
Gần đây có một số trường hợp mà chữ hiếu trở thành một gánh nặng cho người con và biến người mẹ thành một người tàn ác. Chuyện một người nổi tiếng phải trả nợ cờ bạc cho mẹ lên tới 20 tỉ đồng chẳng hạn. Vì một chữ hiếu mà một người con mấy chục năm bị hành hạ lên xuống, bao nhiêu tên giang hồ lợi dụng làm việc phạm pháp. Vậy mà lúc sự việc vở lỡ, vẫn có nhiều người đem chữ hiếu ra nói. Quán tính về chữ hiếu quá lớn, nó che lấp cả lương tri của con người, che lấp cả sự tôn trọng với pháp luật.
>> Trẻ nuôi con, già trông cháu - nỗi khổ của nhiều người già
Nhưng câu chuyện đau lòng nhất phải kể tới chuyện cậu bé bị mẹ cho làm thuê với chủ đầm tôm để rồi bị chủ hành hạ tàn nhẫn, tra tấn bạo hành. Sau mấy năm liền chả hỏi tới con, người mẹ đó mới tất tả đi nhận con khi được công an báo. Lượng tiền từ thiện khổng lồ đổ về, người mẹ này mới về ở với con. Cậu bé bị hành hạ bao năm khi đủ 18 tuổi và được nhận số tiền ủng hộ nói là sẽ "xây nhà cho mẹ".
Đó là một câu chuyện không có hậu. Sau nhiều năm bị bỏ rơi bởi cha mẹ, bị tra tấn hành hạ, cậu bé đó không có bất kỳ nền tảng giáo dục nào để sống hay phát triển và cuối cùng bị bắt vì phạm pháp, sau đó bị xác nhận là bị bệnh tâm thần. Lại một lần nữa, người ta lại xúm vào trách móc người con mà quên mất người mẹ. Với một nền tảng "giáo dục" như vậy, không ai có thể lớn lên thành người, đừng nói gì tới chữ hiếu mà cậu bé vẫn bị xã hội nhồi nhét một câu "xây nhà cho mẹ" vào đầu.
Trẻ con sinh ra chỉ là một tờ giấy trắng. Để con trẻ lớn lên thành người hiếu thảo thì trách nhiệm trước hết phải thuộc về cha mẹ. Hiếu thảo không phải là một nghĩa vụ, nó là một tình cảm. Cha mẹ không thương con thì không thể mong con hiếu thảo. Cha mẹ không hiếu thảo với ông bà thì cũng không mong con hiếu thảo.
>> Tôi sẽ lập hội bạn già để nương tựa nhau, không phiền con cháu
Có lần tôi đọc được ý kiến của một người đề nghị là nên đưa lễ rửa chân cha mẹ cho học sinh thực hiện ngày ra trường. Người đó nói rằng, đây là một nghi lễ đề cao lòng hiếu thảo và anh ta nói luôn rằng mình có hai đứa con gái, sau này rất mong con tìm được những chàng rể hiếu thảo. Ý kiến đó rất buồn cười bởi vì anh ta chỉ nhắc tới con tới rể mà không chịu nói tới chuyện mình có hiếu thảo hay không.
Thái độ về chữ hiếu của người Việt Nam vẫn quá cứng nhắc, tới mức người ta quên luôn cả việc nuôi dưỡng lòng hiếu thảo là như thế nào. Lòng hiếu thảo phải được nuôi dưỡng bởi cha mẹ chứ không phải là thứ có sẵn trong con cái.
Hơn hết, khi cha mẹ làm điều sai trái như đánh bạc phạm pháp, ghét bỏ hành hạ con cái thì con cái sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống, nhân cách trở nên méo mó. Khi đó thì lòng hiếu thảo lại trở nên một thứ xa xỉ. Gieo nhân gì gặt quả nấy, các bậc cha mẹ giáo dục con không tốt thì lòng hiếu thảo khó lòng sinh hoa kết trái. Vì vậy để có được truyền thống hiếu thảo, mỗi bậc cha mẹ hãy biết yêu thương con mình trước đã.
Lời bình luận của ông Dale Carnegie, tác giả của quyển Đắc Nhân Tâm về hiếu đạo rất sâu sắc. Ông cho rằng lòng hiếu thảo như hoa hồng còn lòng vô ơn như cỏ dại. Để có hoa hồng phải bao công chăm sóc, còn cỏ dại thì cứ mọc mà không cần làm gì. Vì vậy để có lòng hiếu thảo, cha mẹ phải chăm sóc những hạt giống trong tâm hồn của con. Đây là thực tế, chứ không phải một khái niệm trừu tượng.
>> Bài viết cùng tác giả: Đào tạo đại học và chuyện kỹ sư 'made in Việt Nam' bị cười cợt
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Khanh