Luật sư Khanh Huỳnh, đang sống ở Mỹ, chia sẻ bài viết về hiện tượng người Mỹ trẻ quay về nhà sống chung với bố mẹ vì khó khăn từ Covid-19:
Người Mỹ thường ra khỏi nhà năm 18 tuổi. Những ai đi học đại học thì sẽ tiếp tục con đường học hành, số còn lại cũng tìm cách dọn ra, thuê nhà ở với bạn và đi học nghề hay đi làm.
Và khi đã đi thì ít ai trở lại, thường chỉ khi nào thất thế phá sản mà thôi. Cha mẹ già vẫn ở riêng, già quá không tự chăm sóc được bản thân thì vào nhà dưỡng lão.
Nhưng dạo này thì người Mỹ lại phải đối mặt với thực tế mới. Rất nhiều gia đình giờ đây phải đón các con đang học đại học trở về. Khi trường dạy trực tuyến thì việc con trả tiền thuê nhà để ở là hoang phí. Có gia đình còn không trả nổi tiền cho con đi học vì thất nghiệp. Có những người trẻ thất nghiệp và không có tiền tích trữ. Nói tóm lại là rất nhiều gia đình bỗng có những đứa con trưởng thành ở nhà.
Kèm theo đó là một loạt các câu hỏi liên quan tới việc ứng xử giữa cha mẹ và con cái thế nào. Thông thường thì "luật lệ" là "mái nhà tôi, luật của tôi", tức là cha mẹ vẫn áp dụng các nguyên tắc cho các con như ngày trước.
Có gia đình thì thay đổi luật lệ đi một chút, như là nếu con vẫn kiếm được tiền thì phải đóng góp cho sinh hoạt phí. Điều quan trọng là các con không được lười biếng và phải cố gắng làm những việc mình có thể làm trong giai đoạn này.
>> Người trẻ Mỹ tự mua nhà bằng cách nào?
Hồi thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 2008, nhiều gia đình Mỹ cũng phải trải qua tình huống này khi nhiều gia đình trẻ bỗng trở nên hết tiền. Vậy là con cháu cùng nhau đùm bế về nhà ông bà. Nhưng vụ "dọn về" nay không bao giờ là tự nguyện nên cả hai bên đều cảm thấy bực bội. Từ đó dẫn tới rất nhiều mâu thuẫn giữa các thế hệ với nhau. Có cả những người con lớn sau đó lại bỏ nhà ra đi và trở nên vô gia cư.
Thời buổi này chính phủ cấm không cho chủ nhà đuổi người thuê vì tội không trả tiền thuê nên tạm thời ít ai trở nên vô gia cư. Tuy vậy các vấn đề tài chính ngày càng bộc lộ rõ và nhiều người bắt đầu trở về với cha mẹ, tạo nên một tầng lớp "boomerang", khi cha mẹ đã đưa con lên bệ phóng nhưng rồi con lại trở về.
Tuy vậy việc nuôi dưỡng con đối với người Mỹ không phải là để mong con báo hiếu cho nên khi con lớn mà gặp khó khăn thì chuyện nhận con về nhà là chuyện "tùy tâm". Cha mẹ và các con thương lượng với nhau chuyện tài chính thế nào cho phù hợp. Vì vậy người Mỹ ít phải phàn nàn chuyện con mình có hiếu thảo hay không.
Lòng hiếu thảo khá đơn giản khi tiền bạc không phải là vấn đề. Vì vậy các bậc cha mẹ Mỹ thường hay thu xếp để khi con lớn thì mình vẫn có thu nhập để dưỡng già, con chỉ về thăm hỏi chăm sóc. Khi không liên quan kinh tế thì chuyện cha mẹ con cái vui vẻ với nhau là dễ dàng.
>> Những lý do khiến một người Mỹ bỗng thành nghèo khổ
Ngay cả việc chia của cũng vậy. Cha mẹ già nếu có của cải nhiều thì vẫn sẽ giữ tiền riêng để dưỡng già. Con cái thì trừ khi quá nghèo thì cha mẹ có thể giúp nhưng cha mẹ không bao giờ đem hết vốn liếng cho con. Khi ra đi thì có di chúc, chuyện tiền bạc thì lúc đó dầu con cái có tị nạnh thì cha mẹ cũng chả còn đó để mà nghe.
Với cách thu xếp như vậy nên cha mẹ Mỹ ít phải lo lắng phàn nàn về chuyện hiếu thảo. Ở Việt Nam khi con cái mua nhà lại hỏi xin cha mẹ nên mới có chuyện cha mẹ bán nhà mà chia của cho con. Ở Mỹ thì không, cha mẹ sẽ để yên cho con tự lập, con sẽ tự mua nhà lấy. Nếu sau này cha mẹ ra đi thì phần con có còn được gì thì tốt, không thì lúc cha mẹ sống cũng không phiền ai cả.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Khanh Huỳnh