Tôi khá ngậm ngùi khi cho rằng trong nhiều gia đình, chữ hiếu sẽ tỉ lệ thuận với tài sản của cha mẹ trong thời buổi hiện nay. Có nhiều câu chuyện bản thân đã gặp qua cũng như từ cuộc sống xã hội đã khiến tôi có kết luận đó.
Cách đây hai năm, dư luận thương xót và cảm thông cho bà cụ già gần chín mươi tuổi không nơi nương tựa sau khi chia tài sản cho tám người con. Và mới đây, trong những ngày tháng Vu Lan báo hiếu theo điển tích Phật giáo, người ta lại phẫn nộ với đoạn video người con gái đánh đập mẹ già chỉ vì không hài lòng khi không được chia tài sản. Mặc dù đoạn video này là câu chuyện đã xảy ra mấy tháng trước và bà cụ cũng đã qua đời nhưng ngay lập tức gây nên sự phẫn uất trong dư luận.
Ở xóm tôi cũng có cụ ông rơi vào tình cảnh không nhà sau khi chia đất đai ruộng vườn cho bốn người con và sang tên nhà đất cho người con trai út. Những người con này đùn đẩy trách nhiệm nuôi cha già. Anh đẩy cho em, em tị nạnh với chị là con gái sao được chia đồng đều... Rồi họ thống nhất với nhau ông cụ ở nhà mỗi người ba tháng, xoay vòng.
>> Nhiều người bỏ bê con nhưng trông chờ báo hiếu
Nhiều người sẽ đặt dấu hỏi vì sao ngày xưa (cách đây mấy chục năm) không xuất hiện tình trạng con cái phản phúc cha mẹ sau khi được chia tài sản? Tôi cho rằng rất đơn giản bởi cuộc sống ngày xưa chỉ quanh quẩn trong thôn xã. Ai cũng biết mặt nhau, nếu như dám chà đạp lên chữ hiếu, ngược đãi cha mẹ mà bại lộ thì làng xã khinh khi, lên án, có khi phải bỏ xứ mà đi. Thêm vào đó, công việc khi xưa là làm nông. Người con không bị áp lực về công việc, tiền bạc, bí bách về thời gian, cuộc sống ở làng quê lại không có nhiều áp lực nên chữ hiếu còn vẹn toàn.
Nhưng những vụ con cái ngược đãi cha mẹ trong những năm qua chính là biểu thị cho những xung đột thế hệ, mà chúng ta phải nhìn nhận lại và rút ra bài học cho riêng mình. Cuộc sống hiện đại, mọi thứ quan hệ có lẽ chỉ được duy trì bằng lợi ích, từ tình bạn bè, đồng nghiệp... cho đến những mối quan hệ gia đình cũng không thoát được.
Vì thế những người tuổi trung niên nên chuẩn bị cho tuổi già của mình một cách tốt nhất thông qua con đường tài sản, tiền bạc. Khi già không còn khả năng lao động, không có tiền lương hàng tháng (lương hưu thì ít ỏi) thì chỉ có nắm trong tay tiền bạc mới đủ sức sai khiến, tác động người khác. Tài sản cũng là một cách "nhắc nhớ" những người con về trách nhiệm của họ (nghĩa vụ đi đôi quyền lợi), nếu rơi vào cảnh neo đơn, ít con cái thì có tiền cũng sẽ mạnh chân bước vào viện dưỡng lão hay mạnh mồm nhờ vả người khác. Thời buổi này và về sau, có tiền mới "làm phiền" thiên hạ được.
>> Sinh con để làm 'bảo hiểm' khi về già
Nếu còn mạnh khoẻ, đi lại vững vàng, thì có tiền trong tay có thể đi du lịch, nghỉ dưỡng, an hưởng tuổi già, bù đi những tháng ngày làm việc cật lực thời trẻ. Không có tiền chỉ quanh quẩn và chôn chật tuổi già trong những tháng ngày tẻ nhạt mà thôi.
Để giải quyết nỗi lo này, theo tôi chỉ có cách là mỗi bậc cha mẹ nên nuôi con đến khi chúng tốt nghiệp đại học. Sau đó, việc cày bừa, lăn lộn mưu sinh trong cuộc sống là việc của chúng, cha mẹ không nên nhúng tay vào. Sau này dựng vở gả chồng thì cho một ít để làm ăn, tất nhiên phải chừa tài sản để thủ thế cho mình. Lập di chúc và chỉ chia thừa kế sau khi cả vợ và chồng đều qua đời.
Cần rút kinh nghiệm trước những người hợp bị con cái bỏ bê, ngược đãi sau khi chia hết tài sản cho chúng, hoặc chia không đồng đều, kẻ nhiều người ít thì lúc này tài sản lại là nguồn cơn cho những kiếp nạn của người già. Tất nhiên, đây chỉ là ý kiến và đề xuất chủ quan của tôi, để những bậc phụ huynh khi về già an tâm và có chất lượng cuộc sống tốt nhất.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Thanh Thuận