Tất cả các tầng nấc trung gian mua đi bán lại nhà đất đều phải đến người sử dụng cuối cùng là người chi trả cho toàn bộ quá trình "lên giá".
Nếu là người giàu có nhu cầu sử dụng và có khả năng chi trả thì họ trả tiền ngay từ đầu. Nếu là người nghèo có nhu cầu sử dụng nhưng chưa có khả năng chi trả thì họ cần được trả góp.
Nhưng vấn đề là phần lớn bất động sản đều "bán cho người có khả năng chi trả nhưng không có nhu cầu sử dụng". Họ thuộc đối tượng "người giàu", có nhu cầu nhà ở chất lượng cao nhưng lại không sử dụng.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chạy theo phát triển sản phẩm để cung ứng cho nhóm đối tượng này nên khi họ không thể tìm được người bán lại thì tác động ngược lại các doanh nghiệp bất động sản. Bởi vậy thị trường hiện nay đang điều chỉnh, doanh nghiệp nào tìm được đúng nhóm khách "mua để sử dụng" thì sẽ an toàn về vốn và tiếp tục phát triển.
Tôi có đề xuất là cơ quan quản lý nên xây dựng các chính sách kiểm soát để bất động sản đừng trở thành "sân chơi tài chính". Nhiều người đầu cơ dùng bất động sản là công cụ để đánh bạc với những người chăm chỉ tích lũy tài sản và khi rút sạch tiền thì họ cũng chuồn mất.
>> Tôi chưa thấy ai mất 30 năm để trả nợ mua nhà
Cơ quan quản lý hoàn toàn có thể kiểm soát được giá nhà thông qua việc kiểm soát đất đai. Lấy ví dụ, thay vì đấu giá đất để thu tiền một lần thì có thể xác định giá thị trường và thu mỗi năm 5%. Số tiền này thấp hơn nhiều so với lãi suất 12% mà nhà đầu tư phải đi vay để mua đất.
Như vậy nhà đầu tư lập dự án tốt và nhanh chóng xây dựng, bán sản phẩm thì có thể tiết kiệm được chi phí đất. Tiền đất sau này nhà nước tiếp tục thu của người mua nhà. Nhà nước có thể thu hồi dự án mà không phải bồi thường nếu chủ đầu tư không hoàn thành trong thời gian quy định, đồng thời tránh được sai phạm cấu kết bán đất giá thấp.
Quang Tấn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.