Đầu tiên, cần làm rõ mục đích của việc đánh thuế bất động sản (BĐS) thứ hai:
Thứ nhất, để nhà nước có nguồn thu tương xứng với sự sốt giá của BĐS. Để có sự công bằng giữa thuế từ sản xuất kinh doanh và thuế do đi buôn BĐS (hiện nay chưa tương xứng, thuế BĐS thất thoát nhiều).
Thứ hai, đánh thuế hợp lý góp phần vào sự phát triển bền vững cho ngành BĐS và toàn nền kinh tế.
Thứ ba, chống đầu cơ đất chờ giá lên. Nhưng mà tôi nói thật người có tiền mặt đầu cơ không nói, chứ người đi vay đầu cơ cũng rủi ro nhiều lắm.
Thứ tư, không có chuyện đánh thuế BĐS cao để người thu nhập thấp cũng có đất. Có đánh thuế cao thì giá đất cũng không thấp đi được đâu. Nếu các bạn nghĩ rằng đánh thuế cao để người giàu bán tháo như cá ươn về trưa các bạn mua được thì quá ngây thơ rồi. Trong một lớp học không thể có chuyện làm bài kiểm tra xong mọi người trong lớp được chia đều điểm số.
Tôi cũng không sở hữu nhiều BĐS, nhưng muốn có thì phải cày thôi, đừng trong đợi vào những thứ khác.
Vì những mục đích nêu trên, tôi xin đề xuất phương pháp đánh thuế mạnh vào phần giá trị gia tăng của lô đất sẽ tránh được đầu cơ, nhưng cũng không làm thiệt thòi hoặc ở thế giữ không được bán cũng chẳng đành của người đang sở hữu BĐS vì mục đích kinh doanh hay ở thực.
Ví dụ: Anh An mua một BĐS có giá một tỷ đồng. Thông thường anh An mua BĐS với các mục đích có thể xảy ra như sau:
- Giữ đó chờ giá lên bán kiếm lời (đây có lẽ là mục đích xã hội không mong muốn nhất, vì sẽ tạo ra tình trạng bong bóng, có quá nhiều BĐS tăng giá do bị ghim hàng, nhưng giá trị gia tăng thực sự của nó đem lại cho xã hội là bằng không).
- Cho nhu cầu ở thật (mục đích này không có gì để nói nhiều).
- Cho thuê, hoặc kinh doanh trên BĐS đó (mục đích này là rất tốt). Chỉ đánh thuế mạnh vào phần chênh giá. Để có được con số chênh lệch thì cần phải nghiên cứu kỹ, tham khảo giá thị trường, quy hoạch xung quanh bất động sản...
Như vậy người mua BĐS chờ bán chênh giá lên sẽ phải cân nhắc hơn việc đem một tỷ ban đầu đi gửi tiết kiệm, mua vàng, đầu tư chứng khoán, kinh doanh hay mua BĐS đợi giá lên, vì khi đó đầu tư BĐS chờ giá lên không còn lời nhiều. Chứ như hiện nay có tiền người ta chỉ nghĩ đến mua BĐS.
Nếu anh An dùng BĐS đó để ở thì anh không phải lo quá nhiều về thuế. Hoặc để kinh doanh cũng vậy không lo thuế chỉ lo vào việc kinh doanh thôi. Khi nào anh An có ý bán thì mới nghĩ đến thuế.
Nếu chỉ đơn giản là đánh 1% trên giá trị BĐS năm thì sẽ thiệt cho đối tượng mua nhà để ở hoặc kinh doanh, vì khi doanh đã thu thuế trên việc kinh doanh rồi. Mà thu thuế theo cách này lại cần thêm công thẩm định giá hàng năm nữa (đánh thuế phần chênh lệch chỉ phải thẩm định giá khi bán thôi).
1% thu hằng năm chắc chắn được được chủ nhà thu lại của người đi thuê. Còn nói đánh thuế BĐS thứ hai trở đi để chống đầu cơ thì không khả thi.
Vì cho dù một người có sở hữu trăm BĐS nhưng toàn bộ BĐS đó đều dùng vào những việc có ích cho xã hội thì sao? Đánh thuế kiểu đó khác gì chúng ta đang cố kiềm hãm sự phát triển chứ không phải để tạo ra công bằng.
Huynh Phuong
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.