Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông, nhất là các mạng xã hội, xuất hiện nhan nhản những tin quảng cáo rao bán các lô đất, thửa đất có địa chỉ khắp tại các vùng quê từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên,Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình đến Thanh Hóa, Nghệ An, Kiên Giang... Có những mẩu tin quảng cáo rao bán các lô đất kèm Thông báo trúng đấu giá có chữ ký, con dấu chưa ráo mực.
Phía sau bức tranh mua bán đất diễn ra hết sức sôi động ấy, là thực tế diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dần. Vậy, nguyên nhân là do đâu?
Đầu tiên là do phát triển các khu công nghiệp: đây là xu hướng cần thiết để phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn, xóa đói giảm nghèo... Tất nhiên, kết quả còn phụ thuộc vào cách quản lý và tổ chức sản xuất ở các khu công nghiệp.
Thứ hai là do phát triển giao thông: ai cũng dễ dàng nhận thấy hệ thống giao thông, nhất là đường cao tốc được xây dựng ngày càng nhiều, vì sự quan trọng của nó trong phát triển kinh tế - xã hội. Có lẽ, để giảm chi phí vốn đã vào loại cao hàng đầu thế giới, nên phần lớn đường cao tốc ở ta được xây dựng tránh các khu dân cư, xuyên qua cánh đồng lâu nay dùng để sản xuất. Nhiều khu đất nông nghiệp được thu hồi để làm đường cao tốc và các cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông như trạm xăng dầu, trạm dừng nghỉ...
Có những nơi, đất sản xuất tiếp giáp và liền kề với khu trạm dừng nghỉ thiết kế đã rất rộng, còn bị thu hồi thêm để nhà đầu tư san lấp, biến ruộng thành khu vui chơi hay những công viên giải trí. Vậy là giữa cánh đồng heo hút, những công viên cứ đua nhau mọc lên, dù chưa rõ sẽ phục vụ ai? Nhiều người lo ngại, một vài năm nữa nó sẽ biến thành những căn nhà cao tầng, khách sạn hay cái gì đó tương tự.
>> Cả làng bán đất tiêu xài, tôi nhịn ăn mua đất
Thứ ba là do chuyển đổi ruộng đồng thành đất ở: theo quy định của Luật Đất đai, Chính quyền cấp tỉnh được ban hành quyết định về việc giao đất ổn định lâu dài để người dân sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi... Nhiều địa phương miền Bắc, đang có tình trạng thu hồi đất mà chính quyền đã giao cho nông dân sử dụng sản xuất ổn định lâu dài, đền bù khoảng gần trăm triệu đồng một sào Bắc bộ, rồi đem đấu giá theo loại đất ở, giá trị thu tiền qua đấu giá tùy địa phương, tùy vị trí nhưng khoảng trên dưới bốn tỷ đồng mỗi sào.
Nếu nghiên cứu kỹ, có thể thấy rằng, việc chuyển đổi đất sản xuất sang đất ở trong chừng mực nào đó cũng cần thiết, theo nhu cầu nhà ở tăng lên. Có điều, hình như hoạt động này đang không được kiểm soát. Thực tế, số người có nhu cầu và tham gia đấu giá đất để làm nhà ở cho mình rất ít. Phần đông số người tham gia đấu giá nhằm mục đích kinh doanh bất động sản.
Những người tham gia các cuộc mua bán đất để kinh doanh đến từ mọi vùng miền, cũng không cần biết có đủ hay chưa các thủ tục liên quan theo quy định của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị (các dự án chưa có văn bản của UBND cấp tỉnh thì chưa được phép phân lô, bán nền). Họ có tiền, tìm tới nơi có đấu giá đất để tham gia, mua rồi rao bán. Chưa bán được thì để đấy, chờ giá lên rồi bán ra kiếm lời...
Bất cứ ai tử tế, chắc hẳn đều băn khoăn rằng, nếu có tình trạng thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, chuyển sang đấu giá theo loại đất ở, mà số đông mua bán chỉ nhằm "cạp đất" làm giàu... thì người nông dân sẽ sinh sống lâu dài bằng gì?
>> Nông dân làm gì sau những cuộc bán đất đổi đời?
Những hệ lụy kéo theo trong đời sống xã hội từ thực trạng này cũng rất đáng suy ngẫm. Đường cao tốc xuyên ngang cánh đồng, làng biến thành phố phường, những nhà máy tỏa khói nghi ngút bao phủ một vùng rộng lớn... đã và đang làm chuyển hóa nhiều miền quê. Các nhu cầu về đất đai như trên cũng làm cho giá đất tăng lên chóng mặt. Trước đây, nhiều miền quê vốn yên ả, bây giờ bỗng trở nên ồn ào, nhất là với chuyện mua bán đất.
Nhiều gia đình, sau khi có tí tiền đền bù do thu hồi đất sản xuất cũng xây được vài gian nhà, mua sắm xe cộ, mua phương tiện công nghệ hiện đại... Khắp các miền quê, tiếng karaoke, gào thét hết cỡ vang lên chát chúa bất kể ngày đêm như một minh chứng cho cuộc đổi đời chóng vánh của người nông dân. Nhưng đi kèm với đó là nhiều người bàng quan với xã hội: không còn mấy gia đình xem TV, nghe thời sự mỗi tối như trước nữa, phần vì sau mỗi ngày lao động đã mệt, phần vì họ bảo quan tâm cũng chẳng giải quyết được gì, không đem lại cơm áo gạo tiền...
Đất đai sản xuất bị thu hẹp sau khi thu hồi... người dân đua nhau bán đất, còn ít nào thì bỏ hoang, không trồng cấy nữa vì không hiệu quả, và ngại vất vả nắng mưa. Họ bảo "thế thời đã khác". Để rồi, người đi làm thợ hồ, người làm công nhân trong khu công nghiệp... Và không ít người lại khăn gói tha phương cầu thực nơi xứ lạ sau khi hết tiền.
Những sự thật ấy đang diễn ra ở nhiều miền quê, người lạc quan thì bảo tươi sáng, người thận trọng lại nói "tươi nhưng chưa chắc đã sáng", còn người khó tính hơn thì ngản ngẩm khi thấy cả những mảng tối hiện hình. Mong rằng, chúng ta sẽ có các quy định chặt chẽ hơn, có sự quản lý trách nhiệm và căn cơ hơn về chuyển đổi đất nông nghiệp sang các mục đích khác, vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.