"Nga đang phát triển năng lực trên quỹ đạo nhằm tận dụng sự phụ thuộc vào các hệ thống không gian của chúng ta. Vệ tinh Cosmos 2543 hôm 15/7 phóng thử một đầu đạn có thể phá hủy phương tiện vũ trụ khác", Tư lệnh Lực lượng Vũ trụ Mỹ John Raymond cho biết hôm 23/7.
Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ công khai cáo buộc Nga tiến hành thử vũ khí trên quỹ đạo, dấu hiệu cho thấy vũ trụ có thể trở thành "đấu trường" mới giữa hai cường quốc.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin này.
Cosmos 2543 là một trong nhiều "vệ tinh kiểm tra trên không gian" được Nga phóng lên quỹ đạo những năm gần đây. Moskva khẳng định chúng chỉ có chức năng đánh giá hư hại và sửa chữa những hệ thống thăm dò trên vũ trụ, trong khi Washington cho rằng kích thước nhỏ và khả năng cơ động cao cho phép những vệ tinh này trở thành công cụ do thám, thậm chí là "sát thủ vệ tinh" có khả năng đe dọa khí tài không gian của Mỹ và đồng minh.
"Chúng có thể lao thẳng vào mục tiêu, phá hủy hoàn toàn hoặc gây hư hại các thiết bị nhạy cảm trên vệ tinh. Kích thước nhỏ cho phép loại vệ tinh sửa chữa này ẩn nấp gần các vật thể khác, đặc biệt là những khối 'rác vũ trụ' ở quỹ đạo gần Trái Đất", nhà phân tích Joseph Trevithick nhận định.
Các chuyên gia cũng nghi ngờ vệ tinh Nga có thể mang hệ thống tác chiến điện tử hoặc vũ khí laser nhằm vô hiệu hóa mạng lưới vệ tinh trinh sát và cảnh báo sớm, thậm chí còn có thể chặn tín hiệu và chèn thông tin giả vào dữ liệu của đối phương.
Hai vệ tinh kiểm tra của Nga từng bị phát hiện bám theo vệ tinh do thám KH-11 Mỹ, trong đó chiếc Cosmos 2542 tiếp cận ở khoảng cách gần, chỉ 160 km, và liên tục điều chỉnh quỹ đạo để khớp với vệ tinh của Mỹ.
Vũ Anh (Theo RT)