Mức giảm trừ gia cảnh hiện hành dành cho người lao động là 11 triệu đồng một tháng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng một tháng, áp dụng chung cho cả nước, không phân biệt vùng miền. Nhiều độc giả VnExpress cho rằng cách tính cào bằng này làm nảy sinh nhiều bất cập:
Đồng quan điểm, độc giả Nguyen Vuong Huynh đề xuất giải pháp: "Tháo bỏ việc 'cào bằng' này không khó. Có thể áp mức giảm trừ tăng dần theo thu nhập (dạng bậc thang chẳng hạn), chứ không phải cố định thì sẽ công bằng một cách tương đối theo thu nhập. Chính sách này đang áp dụng ở Nhật Bản. Công thức tính hơi phức tạp hơn một chút, nhưng kết quả lại hài hòa cho nhiều mức thu nhập hơn".
"Đó chính là bất cập của cách tính lương, bảo hiểm xã hội và thuế. Trong khi lương tối thiểu được phân chia theo các vùng thì thu nhập tính thuế cho cá nhân và người phụ thuộc lại không được tính theo hệ số như lương tối thiểu là không công bằng cho người lao động", bạn đọc Bquangminhvn bổ sung thêm.
>> '4,4 triệu đồng không đủ nuôi người phụ thuộc'
Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc chia giảm trừ gia cảnh theo các vùng hay theo từng đối tượng phụ thuộc là bài toán khó với cơ quan thuế. Nhiều chuyên gia cho rằng, áp dụng giảm trừ gia cảnh theo vùng hay theo các đối tượng là chuyện không dễ thực thi.
Đó là quan điểm của độc giả Quan: "Đã được ở nơi có điều kiện tốt hơn thì không thể đòi giảm trừ nhiều hơn. Giảm trừ gia cảnh là tính theo mức tối thiểu (không có nước nào giảm trừ theo khu vực cả). Bản chất thuế thu nhập cá nhân là để giảm trừ khoảng cách giàu nghèo. Người làm ra nhiều tiền hơn thì góp phần lại xã hội nhiều hơn.
Hơn nữa, hai bậc thuế đầu tiên chỉ có 5% và 10%. Dù đã đóng thuế thì vẫn còn lại phần lớn lượng thu nhập tính thuế chứ có phải bị thu hết đâu. Phần hơn đó chính là để trang trải cho chi phí sinh hoạt ở nơi đắt hơn vì cũng đã có thu nhập cao hơn. Còn thấy mình làm công việc mà về quê cũng được thì về quê sống. Nói thật mình còn muốn được đóng thuế vì đồng nghĩa với thu nhập của mình đã tăng lên.
Có cùng nhận định, bạn đọc Mai Tú phân tích: "Giảm trừ gia cảnh liên quan đến chính sách thuế, vì vậy phải thống nhất, không nên chia theo vùng... Vấn đề còn lại là chính sách thu hút nhân lực và bảo vệ cư dân bản địa của chính quyền địa phương. Đừng để người già, người lao động về hưu không đủ sống ở chính nơi mình sinh ra, lớn lên, lao động và cả cung cấp nguồn lao động mới có chất lượng cho đô thị".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.