Là khách hàng của thị trường ôtô Việt Nam, hẳn ai cũng mong chờ chính sách giảm thuế, phí cho ôtô nói chung và ôtô điện nói riêng để có thể được sở hữu được chiếc xe với giá rẻ hơn. Mong muốn này hoàn toàn dễ hiểu, vì trước hết, mức lệ phí trước bạ hiện nay là 10% hoặc 11 và 12% giá xe bán ra, đánh thẳng vào túi tiền người mua. Ví dụ, giá bán xe là một tỷ đồng, người mua phải nộp đến 120 triệu đồng lệ phí trước bạ.
Còn thuế tiêu thụ đặc biệt thì sao? Thực chất, đây là khoản thuế do người mua phải nộp, nhưng nó thuộc loại gián thu, bên bán tính luôn vào giá xe, thu hộ để nộp cho nhà nước, nên khách hàng thường ít để ý hơn.
Thực tế, mong muốn trên đã được đáp ứng vào cuối năm 2020 và 2021 khi Chính phủ miễn phí trước bạ lần đầu cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 1/12/2021 đến 31/5/2022 và giảm 50% cho hai năm tiếp theo. Theo đó, sức mua tăng mạnh và các doanh nghiệp nhập khẩu cũng tự giảm giá xe để kích cầu, giữ thị phần. Sau đó Quốc hội đã thông qua sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Chính phủ có Nghị định chính thức giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và miễn lệ phí trước bạ với ôtô điện. Cụ thể, ôtô điện từ chín chỗ trở xuống được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ 15% xuống 3% từ ngày 1/3/2022 đến hết ngày 28/2/2027, miễn 100% lệ phí trước bạ từ 1/3/2022 đến 28/2/2025.
Đối với ôtô điện, đây là ưu đãi rất có ý nghĩa cho người tiêu dùng và cả cho nhà sản xuất. Theo các chuyên gia, giá lăn bánh của ôtô điện có thể giảm tới 12%. Nếu so với một số nước ưu đãi người mua ôtô điện khoảng 5.000 USD thì mức giảm giá 12% tại Việt Nam cũng gần như tương đương.
Lẽ ra, với những ưu đãi trên doanh số bán ôtô, đặc biệt là ôtô điện phải tăng mạnh hơn nữa, nhưng sau Tết, thị trường có vẻ khá trầm lắng. Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) vừa công bố số liệu bán hàng tháng 2/2022, đạt 22.802 xe, giảm 26% so với tháng 1/2022. Ngoài con số 25.000 khách hàng đặt cọc mua VF e34, mẫu ôtô điện đầu tiên, trong đó 178 chiếc đã được giao và hơn 24.000 chiếc VF8, VF9 được đặt mua sau 48 giờ mở bán, thị trường dường như không có nhiều thông tin về xe điện.
Cho tới nay, thị trường ôtô Việt Nam mới chỉ có mình VinFast (thuộc Tập đoàn Vigroup) sản xuất, lắp ráp ôtô điện. Các nước ASEAN khác như Thái Lan, Indonesia và Malaysia mới đây cũng đã ban hành một loạt ưu đãi dành cho sản xuất và tiêu dùng xe điện. Tuy nhiên, kế hoạch của họ, đâu đó vào khoảng 2023-2025 mới có những mẫu ôtô điện đầu tiên. Như vậy, rất có cơ sở để tin tưởng chúng ta đã đi trước và cơ hội thành công là rất lớn.
>> Tôi sẽ không mua xe xăng, dầu để bảo vệ môi trường
Nhưng niềm tin, sự lạc quan là một chuyện, còn thực tế có thể lại là chuyện khác. Biết đâu, các nước trên sẽ tăng tốc để cuối năm 2022 có xe điện bán. Nếu tỷ lệ nội địa hóa ôtô điện của các nước ASEAN này đạt từ 40% trở lên, mặc nhiên họ có quyền xuất khẩu sang Việt Nam với mức thuế Nhập khẩu vào nước ta bằng "0". Thực tế, từ năm 2018, khi Hiệp định ưu đãi thuế quan ASEAN có hiệu lực, Thái Lan và Indonesia đã xuất khẩu sang Việt Nam hàng trăm ngàn ôtô chạy xăng dầu truyền thống. Nước ta đã phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập khẩu ôtô của họ mà không thu được đồng thuế nhập khẩu nào.
Đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga - Ukraine, lệnh cấm vận và trừng phạt kinh tế của Mỹ, phương Tây áp đặt lên Nga... đã gián tiếp làm chậm đáng kể thời gian nhập khẩu, sản lượng sản xuất, giao xe... Còn nhớ, mẫu EV thương mại Model S đình đám, dự tính năm 2008 nhưng mãi tới 2012 mới chính thức đến tay những khách hàng đầu tiên.
Trở lại chuyện giảm doanh số bán xe trong tháng hai. Đây được xem là đặc thù "mùa vụ" của thị trường ôtô nước ta, vì tháng hai là tháng trong và ngay sau Tết. Chỉ có điều, thời điểm ưu đãi ôtô điện (1/3/2022) đã đến mà số lượng xe giao cho những khách hàng tiên phong còn quá ít, với vỏn vẹn 178 xe. Nếu vẫn duy trì tốc độ như mấy tháng vừa qua, không ít khách hàng tiên phong sẽ phải nhận xe sau ngày 28/2/2025 - thời điểm ưu đãi ôtô điện không còn như hiện nay. Đây sẽ là một bài toán không hề đơn giản.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.