Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên trong bối cảnh miền Nam mưa nhiều. Độ ẩm tăng cao tạo điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn sinh trưởng, phát triển mạnh gây ra các bệnh ở đường tiêu hóa và hô hấp. Nhóm nguy cơ cao mắc bệnh là trẻ có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, người cao tuổi, người có miễn dịch suy yếu.
Dưới đây là 5 bệnh phổ biến mà trẻ em và người già dễ mắc khi chuyển vào mùa mưa:
Cúm
Cúm có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, đặc biệt vào các tháng mùa mưa. Triệu chứng thường gặp bao gồm sốt từ 38-40 độ C, ho, đau đầu, đau cơ và khớp, mệt mỏi, đau họng và chảy nước mũi. Thông thường, bệnh nhân mắc cúm có thể hồi phục trong 2-7 ngày. Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch suy yếu như trẻ em, người cao tuổi, bệnh mạn tính... nguy cơ cao gặp biến chứng.
Ở trẻ em dưới 14 tuổi, cúm mùa tăng gấp 8 lần nguy cơ viêm phổi. Bệnh còn có thể dẫn tới những biến chứng khác như viêm tai giữa, viêm cơ tim, viêm não...
Mỗi năm có khoảng 28.000 đến 111.500 trẻ em tử vong có liên quan đến cúm mùa. Cúm còn gây ảnh hưởng gián tiếp đến đa cơ quan, khiến người cao tuổi đối diện với nguy cơ đột quỵ gấp 8 lần và tăng gấp 10 lần nguy cơ nhồi máu cơ tim trong một tuần sau nhiễm cúm.
Tiêm phòng cúm là biện pháp được bác sĩ Phong khuyến cáo ưu tiên. Mũi tiêm an toàn và có hiệu quả phòng các thể nhẹ và nặng của cúm, tỷ lệ bảo vệ đến 90%. Ở trẻ em, vaccine giảm 74% nguy cơ nhập viện chăm sóc đặc biệt, giảm nguy cơ tử vong hơn 31%. Đối với người cao tuổi, mũi tiêm giảm 60% tỷ lệ mắc và giảm đến 80% ca tử vong do cúm, giảm chi phí y tế và tình trạng mất khả năng lao động.
Hiện có hai loại cúm tứ giá thế hệ mới có thể phòng 4 chủng virus A/H3N2, A/H1N1, B/Yamagata, B/Victoria, người dân cần lưu ý tiêm cúm nhắc lại hàng năm để duy trì kháng thể bảo vệ.
Viêm phổi
Tại Việt Nam, bệnh về đường hô hấp chiếm 23-38% ở trẻ em. Tác nhân gây bệnh phổ biến gồm virus (cúm mùa, RSV, rhinovirus, adenovirus, coronavirus...), vi khuẩn (phế cầu, Hib, sởi, não mô cầu...), vi nấm. Trẻ có thể nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm amidan hoặc nhiễm khuẩn hô hấp dưới gồm viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, áp xe phổi, viêm màng phổi...
Nhiều loại vaccine giúp phòng các tác nhân viêm phổi khi giao mùa. Trong đó, mũi ngừa phế cầu khuẩn giúp giảm thời gian nằm viện trung bình 41,7% và chi phí nhập viện 27,8% so với người chưa được tiêm chủng. Tiêm đầy đủ hai mũi vaccine sởi có hiệu quả bảo vệ lên đến 97%.
Vaccine ngừa vi khuẩn Hib cũng giúp phòng viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi. Khi chưa có vaccine, vi khuẩn này gây viêm phổi nặng ở 1/4 trẻ em trên thế giới.
Viêm não Nhật Bản
Theo bác sĩ Phong, Tây Nguyên và miền Nam đã bước vào mùa mưa. Mưa nhiều khiến vòng đời sinh sản của muỗi rút ngắn, khả năng sinh sôi và truyền bệnh cao hơn. Trong khi đó, viêm não Nhật Bản không có thuốc đặc trị, chủ yếu điều trị triệu chứng. Mới đây, tỉnh Đồng Nai vừa ghi nhận bé 4 tuổi mắc viêm não Nhật Bản, chưa tiêm vaccine. Tỉnh Đắk Lắk mới đây cũng ghi nhận bệnh nhân 52 tuổi tại huyện Ea Kar mắc viêm não Nhật Bản, đây là ca bệnh thứ 2 tại địa phương tính từ đầu năm.
Viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu tương tự bệnh đường hô hấp thông thường khác. Tỷ lệ di chứng đến 25-35%, như giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đánh giá tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản. Hiện vaccine sử dụng cho trẻ từ 9 tháng và người lớn, hiệu quả đến 95%.
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra. Muỗi vằn truyền virus từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh thường xảy ra thành đợt dịch lớn theo chu kỳ 3-4 năm một lần, cao điểm vào tháng 7-11. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, khi trở nặng có thể sốc nhiễm trùng, biến chứng, thậm chí tử vong.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp sốt xuất huyết vào một trong 10 mối nguy cơ hàng đầu trên thế giới. Từ năm 2000-2019, số người bệnh tăng 10 lần, từ 500.000 lên 5,2 triệu ca, lan rộng 129 quốc gia. Tại Việt Nam, hằng năm có hàng trăm ngàn người phải nhập viện do sốt xuất huyết và hàng chục ca tử vong.
Theo bác sĩ Phong, hiện tượng El Nino, biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tăng, lượng mưa và độ ẩm cao, tạo điều kiện cho muỗi vằn phát triển. Dân số tăng cùng quá trình đô thị hóa nhanh, nguy cơ mắc sốt xuất huyết được dự đoán tăng cao.
Hiện có hai loại vaccine được WHO phê duyệt gồm: Dengvaxia (Sanofi), Qdenga (Takeda). Giữa tháng 5, Bộ Y tế Việt Nam cấp phép lưu hành Qdenga, vaccine dự kiến sẽ về Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Vaccine hiệu quả hơn 80%, dành cho trẻ từ 4 tuổi. Lịch tiêm hai mũi cách nhau ba tháng.
Bệnh đường tiêu hóa
Thời tiết mưa nhiều, ngập lụt tạo điều kiện cho các mầm bệnh đường tiêu hóa phát tán dễ dàng hơn và lây nhiễm vào thức ăn, nước uống, bề mặt các vật dụng.
Các bệnh đường tiêu hóa phổ biến là thương hàn, tả, viêm gan A, lỵ, tiêu chảy do Rotavirus... Chủ động chủng ngừa vaccine là biện pháp đơn giản, hiệu quả hơn 80%, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh khi kết hợp với nhiều biện pháp phòng bệnh chủ động khác.
Ngoài ra, để phòng bệnh mùa mưa, phụ huynh vệ sinh sạch không gian sống như nhà cửa, chăn gối, đồ chơi; vệ sinh tay thường xuyên, vệ sinh răng miệng, mũi họng đúng cách; đảm bảo chế độ dinh dưỡng, đầy đủ các nhóm chất (tinh bột, chất đạm, chất béo, các vitamin và khoáng chất); đảm bảo ăn chín, uống sôi...
Mộc Thảo