Trả lời:
Viêm gan A do virus gây ra, lây qua đường phân miệng, tức là virus có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua sử dụng thực phẩm, nước uống nhiễm mầm bệnh. Bệnh liên quan chặt chẽ đến nguồn nước hoặc thực phẩm không an toàn, điều kiện vệ sinh thiếu thốn, vệ sinh cá nhân kém và có khả năng nhỏ lây lan từ người sang người thông qua quan hệ tình dục đường miệng - hậu môn.
Khác với viêm gan B và C, viêm gan A không gây bệnh gan mạn tính. Tuy nhiên, trong số ít trường hợp, người bệnh bị suy nhược dẫn đến viêm gan tối cấp (suy gan cấp tính), có thể tử vong. Viêm gan A không lây truyền qua tiếp xúc thông thường như ôm, bắt tay, ho hoặc hắt hơi
Trong gia đình, viêm gan A có thể lây truyền thông qua bàn tay khi người bệnh chuẩn bị thức ăn cho mọi người. Nguy cơ lây nhiễm còn ở việc sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân như vật dụng ăn uống, khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng, xô, chậu...
Bạn là chồng của bệnh nhân, để giảm thiểu nguy cơ mắc, nên thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh như: vợ chồng đều thường xuyên rửa tay trước khi biến thực phẩm, trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh; không sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân với vợ, ăn chín uống sôi, chọn lựa nguồn nước, nguồn thực phẩm an toàn.
Bệnh viêm gan A có thể phòng ngừa nhờ vaccine, giúp bạn có kháng thể đặc hiệu, giảm nguy cơ nhiễm từ vợ. Hiện vaccine có loại đơn và kết hợp phòng viêm gan A, B. Mũi đơn chỉ định cho người từ 12 tháng đến dưới 16 tuổi hoặc từ 24 tháng đến dưới 18 tuổi tùy vào loại vaccine, với hai liều cách nhau tối thiểu 6 tháng. Còn mũi kết hợp dành cho trẻ em từ 12 tháng tuổi và người lớn.
Trường hợp của bạn 43 tuổi, nên tiêm loại kết hợp ngừa viêm gan A và B theo phác đồ dành cho người từ 16 tuổi. Bạn có thể đến các trung tâm tiêm chủng gần nhất để được bác sĩ tư vấn về lịch trình tiêm ngừa phù hợp. Ngoài ra, bạn nên theo dõi sức khỏe của bản thân, đi khám ngay nếu có các dấu hiệu bất thường.
Bác sĩ Nguyễn Minh Luân
Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC