Bác sĩ Bùi Công Sự, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết không rửa tay sạch sẽ dễ gây bệnh cho bản thân và người khác.
Phân từ người hoặc động vật là nguồn lây truyền các mầm bệnh gây tiêu chảy như Salmonella, E.coli, norovirus, rotavirus, tả, thương hàn, viêm gan A và các mầm bệnh gây nhiễm trùng đường hô hấp như adenovirus, tay chân miệng, cúm, sởi, thủy đậu. Những loại vi khuẩn, virus này có thể bám lên tay sau khi mọi người sử dụng nhà vệ sinh hoặc thay tã, xử lý thịt sống. Mầm bệnh cũng có thể bám vào tay khi chạm vào các bề mặt hoặc đồ vật chứa dịch tiết của bệnh nhân.
Khi vi khuẩn bám trên tay và không được rửa trôi, có thể lây trực tiếp cho người khác thông qua các hành động bắt tay, chế biến món ăn hoặc lây gián tiếp khi chạm vào tay nắm cửa, tay vịn cầu thang... Mặt khác, mọi người cũng mắc bệnh nếu đưa bàn tay bẩn chạm lên mắt, mũi, miệng của chính mình.
Nhiều nghiên cứu cho thấy tiếp xúc tay mắt là một trong những đường lây truyền bệnh đau mắt đỏ và đau mắt hột phổ biến. Tại Việt Nam, bệnh đau mắt đỏ rải rác quanh năm và thỉnh thoảng xuất hiện dịch. Trong 9 tháng năm 2023, các bệnh viện ở TP HCM ghi nhận hơn 70.000 ca đau mắt, chủ yếu nguyên nhân do adenovirus và enterovirus. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, không dụi tay chưa rửa lên mắt giúp giảm nguy cơ đưa vi khuẩn và virus gây bệnh cho mắt.
Rửa tay không sạch cũng tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết. Lý do, vi khuẩn tụ cầu thường được tìm thấy trên da và trong mũi. Nếu xâm nhập vào vết thương hở, vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng da và các thể bệnh khác như: viêm tủy xương, viêm phổi, viêm nội tâm mạc.
Mầm bệnh cũng có thể đi vào máu gây nhiễm trùng máu với tỷ lệ tử vong lên đến 50%. Rửa tay bằng xà phòng và nước giúp ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào vết thương hở.
Bệnh tật ảnh hưởng tới học tập và công việc, như trẻ em nguy cơ mắc bệnh cao, phải nghỉ học. Người lớn mắc bệnh cũng phải nghỉ làm, ảnh hưởng năng suất lao động.
Vì vậy, bác sĩ Sự nhấn mạnh vai trò của rửa tay đúng cách và đúng thời điểm, giúp loại bỏ bụi bẩn, virus và vi khuẩn ngăn lây lan sang người khác hoặc đồ vật. Rửa tay với xà phòng sẽ hiệu quả hơn so với chỉ rửa nước sạch, có thể dùng cồn nếu không có xà phòng.
Các thời điểm rửa tay gồm: trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn và trước khi cho trẻ ăn. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tiêu chảy là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ với hơn 4,4 triệu ca mắc năm 2021, tương đương 1.200 ca tử vong mỗi ngày. Rửa tay bằng xà phòng có thể giảm tối thiểu 40% nguy cơ tiêu chảy, giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp. Bác sĩ Sự hướng dẫn rửa tay trong ít nhất 30 giây, làm ướt hai bàn tay, xoa đủ xà phòng, chà xát làm sạch mu, kẽ giữa các ngón tay, lòng bàn tay.
Để tăng phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo trẻ em và người lớn tiêm phòng các bệnh đã có vaccine. Trẻ em ở giai đoạn chào đời đến hai tháng tuổi cần tiêm ngừa viêm gan B, lao, 5 trong 1 hoặc 6 trong 1, phế cầu, não mô cầu nhóm B, uống vaccine ngừa rotavirus. Theo UNICEF, vaccine phòng ngừa rotavirus có tác dụng bảo vệ trẻ em khỏi một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong do tiêu chảy. Từ 6 đến 12 tháng tuổi, trẻ cần tiêm ngừa cúm, não mô cầu ACYW-135, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, viêm não Nhật Bản, viêm gan A. Từ 2 tuổi, trẻ cần tiêm phòng thương hàn, uống vaccine tả.
Mỗi loại vaccine có lịch tiêm nhắc để củng cố miễn dịch sau các mũi cơ bản.
Gia Nghi