"Chúng tôi có thông tin cho thấy Nga đã bố trí một nhóm đặc nhiệm ở miền đông Ukraine để thực hiện chiến dịch tạo cớ tấn công", phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nói trong cuộc họp báo ngày 14/1.
"Các đặc nhiệm được đào tạo về tác chiến đô thị và sử dụng chất nổ nhằm thực hiện các hành động phá hoại nhằm vào lực lượng ủy nhiệm của Nga", Psaki cho biết.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby xác nhận thông tin tình báo về hoạt động của đặc nhiệm Nga là rất đáng tin cậy. Kirby nói các thông tin này được hạ cấp bảo mật để công bố rộng rãi, đồng thời cho biết đặc nhiệm Nga có thể bao gồm đặc nhiệm tình báo, thành viên quân đội và các cơ quan an ninh khác.
Thông tin này được đưa ra một ngày sau khi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố Nga "đang xây dựng cơ sở để ngụy tạo cái cớ cho một cuộc xâm lược".
Nga bác bỏ các cáo buộc trên. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi tuyên bố của Mỹ là vô căn cứ.
Các cáo buộc trên được đưa ra trong bối cảnh Ukraine hứng đợt tấn công mạng quy mô lớn, khiến NATO tuyên bố sẽ đẩy mạnh hợp tác với Kiev để đảm bảo an ninh mạng. Psaki cho biết Mỹ quan ngại về vụ tấn công mạng, song không đổ lỗi cho Nga và nói rằng chưa có kết luận về ai là người phải chịu trách nhiệm.
Psaki nói ngoài tạo cớ tiến đánh Ukraine, Nga còn tăng cường chiến dịch tung thông tin sai lệch trên mạng xã hội, bao gồm các bài đăng cáo buộc Kiev vi phạm nhân quyền và phương Tây kích động căng thẳng.
"Thông tin của chúng tôi chỉ ra rằng các tác nhân Nga có ảnh hưởng đang bắt đầu bịa đặt các hành vi khiêu kích của Ukraine trên mạng xã hội và truyền thông để biện minh cho hành vi can thiệp của nước này, đồng thời gieo rắc chia rẽ ở Ukraine", Psaki nói.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây gần đây leo thang sau khi Mỹ, NATO cáo buộc Nga điều khoảng 70.000-100.000 quân tới sát biên giới với Ukraine, bày tỏ lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực. Nga bác bỏ cáo buộc và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Moskva tháng trước đưa ra loạt đề xuất an ninh với phương Tây nhằm tìm cách giảm hiện diện quân sự của NATO xuống mức những năm 1990. Nga cũng yêu cầu NATO đảm bảo không mở rộng liên minh về phía đông hoặc triển khai vũ khí, lực lượng ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)