Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) mở trung tâm huấn luyện bí mật tại miền nam nước này và bắt đầu đào tạo đặc nhiệm Ukraine sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, các cựu quan chức an ninh và tình báo Mỹ ngày 13/1 cho biết.
Các học viên Ukraine tham gia đợt huấn luyện quân sự ở Mỹ được dạy cách sử dụng vũ khí cá nhân, ngụy trang và định hướng, cũng như các chiến thuật như ẩn nấp và di chuyển. Tuy nhiên, một quan chức cho biết khóa huấn luyện không nhằm mục đích tấn công đối thủ mà để "hỗ trợ thu thập thông tin tình báo".
Chưa rõ những yêu cầu hỗ trợ tình báo do Mỹ đưa ra đối với đặc nhiệm Ukraine. Cách thức huấn luyện của chương trình được cho có thể nhanh chóng thay đổi theo điều kiện thực địa.
"Chương trình huấn luyện của CIA liên quan đến đào tạo rất cụ thể cho đặc nhiệm Ukraine về kỹ năng giúp tăng cường năng lực đẩy lùi lực lượng quân sự Nga", một cựu quan chức tình báo Mỹ cho biết. "Khóa huấn luyện bao gồm nội dung gần giống chiến dịch tấn công nếu Nga tiến đánh Ukraine".
Một cựu quan chức khác thậm chí mô tả chương trình đào tạo của CIA như "khóa huấn luyện nổi dậy" nhằm hướng dẫn các đặc nhiệm Ukraine cách "tiêu hao sinh lực" của quân đội Nga, duy trì thông tin liên lạc sau phòng tuyến của đối phương hoặc trong môi trường tình báo thù địch.
Chương trình huấn luyện được giám sát bởi Cục Tác chiến Trên bộ thuộc CIA, thành lập dưới thời Barack Obama và được các tổng thống Mỹ sau đó điều chỉnh. Một cựu giám đốc CIA cho biết cơ quan này đã tổ chức những khóa đào tạo hạn chế cho các đơn vị của Ukraine trong nhiều thập kỷ nhằm "duy trì nền độc lập của Ukraine và chống lại ảnh hưởng của Nga".
Một số cựu quan chức tình báo và an ninh Mỹ cho biết các đặc vụ thuộc Cục Tác chiến Mặt đất của CIA còn được triển khai tới khu vực giao tranh ở miền đông Ukraine vào năm 2015 để cố vấn cho đối tác tại đó.
Nga chưa bình luận về thông tin này. Trong khi đó, CIA không xác nhận hay phủ nhận thông tin huấn luyện đặc nhiệm Ukraine.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây gần đây leo thang sau khi Mỹ, NATO cáo buộc Nga điều khoảng 70.000-100.000 quân tới sát biên giới với Ukraine, bày tỏ lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực. Nga bác bỏ cáo buộc và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Moskva tháng trước đưa ra loạt đề xuất an ninh với phương Tây nhằm tìm cách giảm hiện diện quân sự của NATO xuống mức những năm 1990. Nga cũng yêu cầu NATO đảm bảo không mở rộng liên minh về phía đông hoặc triển khai vũ khí, lực lượng ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Nguyễn Tiến (Theo RT, Yahoo News)