Các cuộc đàm phán căng thẳng trong tuần qua giữa Mỹ, Nga và các thành viên châu Âu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã làm rõ một điều: Dù chính quyền Tổng thống Joe Biden khẳng định sẽ không cho phép Moskva dập tắt hy vọng gia nhập NATO của Ukraine, họ hiện không có bất kỳ kế hoạch nào nhằm đưa quốc gia từng thuộc Liên Xô này vào liên minh.
Các quan chức Mỹ cho biết họ sẽ không nhượng bộ Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng cách xóa bỏ một chính sách quan trọng được ghi trong hiệp ước ban đầu năm 1949 của NATO, đó là cho phép mọi quốc gia châu Âu đều có quyền yêu cầu gia nhập khối.
"Cùng với nhau, Mỹ và các đồng minh NATO khẳng định chúng tôi sẽ không đóng sập cánh cửa để ngỏ của NATO, một chính sách luôn là trung tâm của liên minh", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy R. Sherman nói hôm 12/1.
Nhưng tuyên bố đó không đảm bảo rằng Ukraine sẽ sớm trở thành thành viên NATO, điều mà Kiev đã mong mỏi từ rất lâu. Quyết định kết nạp một thành viên mới phải đạt được đồng thuận của tất cả thành viên NATO, trong khi Pháp và Đức từng phản đối đưa Ukraine vào khối, trong khi các thành viên châu Âu khác cũng tỏ ra thận trọng. Nếu Ukraine gia nhập NATO, liên minh có nghĩa vụ bảo vệ họ trước bất cứ cuộc tấn công nào.
Giới lãnh đạo Mỹ và Nga biết rõ điều này. Sau khi Nga điều động khoảng 100.000 quân tập trung ở gần biên giới Ukraine, Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, cho rằng Tổng thống Putin dường như chỉ nêu vấn đề Ukraine gia nhập NATO như một biện pháp đánh lạc hướng chú ý khỏi những vấn đề cấp bách hơn.
"Mọi người đang nói về sự mở rộng của NATO", McFaul cho biết trên một podcast của Trung tâm An ninh Mỹ Mới hôm 11/1. "Đột nhiên, chúng ta lại đang tranh luận về một thứ thậm chí không phải vấn đề cần tranh luận. Đó là một lợi thế lớn của Putin".
Theo giới quan sát, giống như các lãnh đạo châu Âu, Tổng thống Biden hiện không thực sự hào hứng với kế hoạch đưa Ukraine gia nhập NATO.
Sau khi Liên Xô tan ra, Biden khi đó với cương vị là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thành công khi thuyết phục NATO kết nạp Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech vào cuối những năm 1990. Biden lúc đó nói rằng biến những đối thủ trước đây trong Chiến tranh Lạnh thành đồng minh sẽ đánh dấu "khởi đầu của 50 năm hòa bình nữa" cho châu Âu.
Nhưng sau hai thập kỷ sa lầy trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, các chuyên gia nhận định Biden đã mất đáng kể nhiệt huyết với nỗ lực mở rộng NATO. Sau khi 7 quốc gia Đông Âu tham gia liên minh vào năm 2004, tổng thống George W. Bush năm 2008 thúc đẩy NATO ra tuyên bố rằng Ukraine và Georgia sẽ trở thành thành viên trong tương lai. Tuy nhiên, liên minh chưa bao giờ đưa ra kế hoạch hành động cụ thể nào để kết nạp hai nước này.
Tháng 6 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken tuyên bố "chúng tôi ủng hộ Ukraine trở thành thành viên NATO". Tuy nhiên, Tổng thống Biden lại thận trọng hơn nhiều trong các bình luận công khai của mình và tỏ ra không quyết liệt trong nỗ lực kết nạp Ukraine, Joshua Shifrinson và Stephen Wertheim, hai học giả về chính sách đối ngoại viết trên tờ Foreign Affairs hồi tháng 9.
Vào năm 2014, với tư cách phó tổng thống, Biden đã nói với các quan chức Ukraine trong chuyến thăm nước này rằng những hỗ trợ quân sự từ Mỹ nếu có cũng sẽ rất hạn chế, theo Evan Osnos, cây bút từ tạp chí New Yorker, người cũng có mặt trong chuyến đi.
Nga lúc bấy giờ vừa sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ và giới chức Ukraine khi đó rất không hài lòng với thông điệp của Biden.
"Chúng ta không còn tư duy theo kiểu Chiến tranh Lạnh nữa", Biden nói với Osnos. "Putin giờ đây không thể làm gì về mặt quân sự để thay đổi cơ bản các lợi ích của Mỹ".
Tháng 6 năm ngoái, khi được hỏi liệu Ukraine có thể tham gia liên minh không, Biden đã trả lời các phóng viên tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, rằng "câu hỏi đó không có cơ sở".
Nhằm đáp ứng một trong ba tiêu chí chính để gia nhập NATO, một quốc gia châu Âu phải thể hiện cam kết về dân chủ, tự do cá nhân và ủng hộ nhà nước pháp quyền. Các lãnh đạo Ukraine khẳng định họ đã đạt đủ điều kiện, song các quan chức Mỹ và châu Âu không nghĩ như vậy.
Trong phân tích năm 2020, Tổ chức Minh bạch Quốc tế, một cơ quan giám sát chống tham nhũng, xếp Ukraine thứ 117 trong 180 quốc gia về chỉ số tham nhũng, thấp hơn tất cả các thành viên NATO.
Trong khi đó, các quốc gia châu Âu có nền quản trị tự do mạnh mẽ hơn, như Thụy Điển hay Phần Lan, cũng đang quan tâm tới khả năng gia nhập NATO, bất chấp nhiều năm kiên trì chính sách không liên kết. Đó là cuộc thảo luận "chúng tôi sẵn sàng tham gia", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria J. Nuland, hôm 11/1 nói. "Rõ ràng, họ là những nền dân chủ lâu đời, có nền tảng và ổn định".
Bình luận của bà cho thấy Ukraine rõ ràng không phải ưu tiên với Mỹ. "Với các nước đang chuyển đổi sang hệ thống dân chủ, phải giải quyết những vấn đề tham nhũng sâu rộng, cải cách nền kinh tế, ổn định dân chủ..., vấn đề có thể sẽ hơi khác", bà nói.
Thông điệp Nuland đưa ra khá tương đồng với những bình luận của Biden trong chuyến thăm Ukraine năm 2014.
"Phải rất thẳng thắn về điều này và đây là một điều tế nhị khi trao đổi với một nhóm lãnh đạo quốc hội, nhưng các bạn phải chiến đấu với căn bệnh tham nhũng đang phổ biến trong hệ thống", ông nói với các quan chức Ukraine khi đó.
Nhiều quan chức phương Tây cũng đặt câu hỏi liệu Ukraine có thể đáp ứng bộ tiêu chí thứ hai là đóng góp vào nguyên tắc phòng vệ tập thể của NATO hay không, dù Ukraine từng gửi quân tham gia các chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu ở Iraq và Afghanistan.
"Ukraine vẫn cần thực hiện một số thứ", Jen Psaki, thư ký báo chí Nhà Trắng, hồi tháng 9 cho biết sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Phòng Bầu Dục. "Họ đã rất quen thuộc với những điều này: Nỗ lực đẩy mạnh cải cách pháp quyền, hiện đại hóa quốc phòng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".
Thông điệp Nga đưa ra từ trước tới nay rất nhất quán và rõ ràng: Ukraine không thể gia nhập NATO và nếu điều đó xảy ra, phương Tây sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng. Một trong những vũ khí Moskva có thể dùng để gây sức ép là năng lượng. Đức và nhiều quốc gia NATO khác hiện chưa sẵn sàng đối đầu trực diện với Nga bởi họ dường như hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Trong bối cảnh này, Ukraine gần như chắc chắn không thể đáp ứng tiêu chí thứ ba để gia nhập NATO: Được tất cả 30 thành viên chấp thuận.
"Lập trường phản đối chính sẽ là liệu một động thái như vậy có thực sự góp phần vào ổn định của châu Âu hay sẽ chỉ làm chồng chất thêm bất ổn?", Douglas E. Lute, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, cho hay. "Sẽ không thể có đồng thuận giữa 30 thành viên, dù tất cả đều đồng ý rằng Ukraine có quyền mong muốn trở thành thành viên NATO".
Theo Stephen M. Walt, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường Harvard Kennedy, ngay từ những năm 1990, nhiều nhà chiến lược nổi tiếng của Mỹ đã phản đối đề xuất mở rộng NATO, vì không muốn gây thù địch với Nga. "Làm điều này theo cách không đe dọa Nga là điều không dễ dàng", ông nhấn mạnh.
Bản thân các lãnh đạo Ukraine không phải lúc nào cũng thúc đẩy nỗ lực gia nhập NATO và điều đó đã góp phần định hình cách tiếp cận của Mỹ.
Cựu tổng thống Ukraine Viktor Yushchenko muốn gia nhập liên minh, nhưng người Ukraine đã trở nên lưỡng lự hơn sau chiến dịch can thiệp quân sự của Nga ở Gruzia năm 2008 với lý do bảo vệ Nam Ossetia và Abkhazia. Người kế nhiệm ông, tổng thống Viktor Yanukovych, đã từ bỏ mọi động lực trở thành thành viên NATO và thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Nga, thậm chí đồng ý cho phép Moskva tiếp tục thuê một quân cảng ở Crimea.
Dưới chính quyền tổng thống Barack Obama, giới chức Mỹ đã khuyến khích Ukraine ký một thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu (EU) thay vì cố gắng gia nhập NATO. Tổng thống Putin đã gây áp lực buộc người đồng cấp Yanukovych từ chối thỏa thuận, dẫn đến các cuộc biểu tình Euromaidan (biểu tình ủng hộ EU) ở Ukraine năm 2013, khiến Yanukovych cuối cùng bị lật đổ.
"Nhiều chính sách của Mỹ được đưa ra tùy thuộc hoàn cảnh. Chúng cũng đã thay đổi do những thay đổi ở chính Ukraine với nỗ lực gia nhập NATO", Fiona Hill, chuyên gia về Nga tại Viện Brookings, đánh giá. "Hiện tại, mong muốn gia nhập NATO của Ukraine khá mạnh mẽ".
Zelensky đã nhiều lần thúc giục Biden mở đường để Ukraine gia nhập NATO, kể cả trong chuyến thăm Nhà Trắng hồi tháng 9. "Tôi muốn thảo luận với Tổng thống Biden về tầm nhìn của ông ấy đối với cơ hội cho Ukraine gia nhập NATO và khung thời gian cho kế hoạch này, nếu có thể", Tổng thống Ukraine nói với người đồng cấp Mỹ.
Tổng thống Biden khi đó đã không đưa ra câu trả lời nào cho lời đề nghị này.
Vũ Hoàng (Theo NY Times)