"Các mối đe dọa đang gia tăng, chính sách an ninh của chúng tôi cũng phải phát triển tương xứng. Để làm được điều này, chúng tôi sẽ dựa vào sức mạnh lớn nhất của mình là các liên minh và đối tác", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 14/12 nói trong cuộc họp báo tại Jarkata, Indonesia, đề cập tới kế hoạch Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.
Ngoại trưởng Blinken cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết "duy trì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" bằng cách thúc đẩy các liên minh của Mỹ, tạo dựng mối quan hệ mới và đảm bảo quân đội nước này duy trì lợi thế cạnh tranh.
"Chúng tôi sẽ áp dụng một chiến lược kết hợp chặt chẽ hơn tất cả công cụ mang sức mạnh quốc gia, bao gồm ngoại giao, quân sự và tình báo, với các đồng minh cùng đối tác", Blinken nói và cho biết điều này sẽ gồm liên kết các ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ với châu Á, tích hợp chuỗi cung ứng và hợp tác đổi mới công nghệ.
Blinken và Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi sau đó ký ba thỏa thuận, trong đó có gia hạn hiệp ước hợp tác hàng hải tới năm 2026 và kêu gọi tăng cường các cuộc diễn tập hải quân chung giữa Mỹ và Indonesia. "Chúng tôi củng cố sức mạnh để gìn giữ hòa bình như đã làm trong nhiều thập kỷ qua", Blinken nói.
Ngoại trưởng Blinken đang thăm Indonesia trong chuyến công du Đông Nam Á kéo dài một tuần. Trước đó, ông lên tiếng chỉ trích các "hành động quyết liệt" của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt tại Biển Đông và liên quan đến vấn đề Đài Loan cùng Hong Kong. Đây là những điểm nổi bật trong chương trình nghị sự của Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến công du.
"Các quốc gia trong khu vực muốn thay đổi hành vi này. Chúng tôi cũng vậy", Blinken nói. "Chúng tôi quyết tâm đảm bảo quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Đó cũng là lý do chúng tôi luôn quan tâm đến hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan".
Tuy nhiên, Blinken khẳng định Mỹ không tìm cách buộc các nước chọn phe giữa Washington và Bắc Kinh, hay tìm cách gây xung đột với Trung Quốc. Ông cho biết Mỹ sẽ "xây dựng các kết nối mạnh mẽ hơn" với 5 đồng minh hiệp ước của nước này trong khu vực gồm Australia, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan, đồng thời xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với ASEAN.
"Một ASEAN mạnh mẽ và độc lập từ lâu đã trở thành trung tâm để giải quyết các cuộc khủng hoảng khẩn cấp và thách thức lâu dài", Blinken nói.
Trong cuộc họp báo ngày 14/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhận định bình luận của Blinken cho thấy "Mỹ đang mâu thuẫn với chính mình khi đề cập đến cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc, đồng thời tuyên bố không có ý định tìm kiếm xung đột với Trung Quốc".
Ông Uông cũng chỉ trích Mỹ khi "thường xuyên cử chiến hạm và máy bay đến khu vực để phô trương sức mạnh và gây rối".
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang quanh loạt vấn đề, như tranh chấp thương mại, nhân quyền, vấn đề Tân Cương, Đài Loan hay Biển Đông. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây họp thượng đỉnh trực tuyến, nhưng không đạt được bước đột phá nào để hạ nhiệt căng thẳng.
Nguyễn Tiến (Theo AP)