Chiến lược nhằm tăng cường quan hệ chính trị và quốc phòng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Liên minh châu Âu (EU) được công bố ngày 16/9, bao gồm "tìm hiểu cách thức để các nước thành viên EU tăng cường triển khai lực lượng hải quân giúp bảo vệ các tuyến liên lạc trên biển và tự do hàng hải" trong khu vực, theo thông cáo của liên minh.
Chiến lược này còn bao gồm kế hoạch xây dựng quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ở các lĩnh vực thương mại, y tế, dữ liệu, hạ tầng và môi trường.
Chiến lược mới có thể củng cố ảnh hưởng ngoại giao của EU với các vấn đề quan trọng trong khu vực, đồng thời tăng cường hiện diện của các nước thành viên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Điều này có thể liên quan đến hoạt động triển khai nhân sự và hiện diện an ninh của EU tại khu vực nhằm hỗ trợ các sứ mệnh quốc tế, bao gồm điều tàu mang cờ EU tuần tra tại Biển Đông.
"Với tầm quan trọng của hiện diện hải quân châu Âu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, EU sẽ tìm hiểu cách thức để đảm bảo các nước thành viên tăng cường triển khai lực lượng hải quân trong khu vực", thông cáo của EU có đoạn. Tuy nhiên, Borrell cho biết chiến lược của EU mang tính hợp tác, không phải đối đầu với Trung Quốc.
Trước đó một ngày, Anh, Australia và Mỹ công bố hiệp ước quốc phòng ba bên AUKUS cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Josep Borrell, đại diện cao cấp của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, cho biết liên minh không được tham vấn về hiệp ước AUKUS.
"Chúng tôi rất tiếc vì không được thông báo và tham gia các cuộc đàm phán này", Borrell nói khi công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU. "Như những người khác, chúng tôi phải tự mình xoay xở".
Một trong những điểm gây tranh cãi nhất của hiệp ước AUKUS là Mỹ sẽ chuyển giao công nghệ và cùng Anh hỗ trợ Australia phát triển hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Australia sau đó hủy hợp đồng đóng tàu ngầm diesel - điện trị giá 40 tỷ USD với Pháp và khiến nước này nổi cơn thịnh nộ. "Tôi hiểu mức độ thất vọng của chính phủ Pháp", Borrell nói.
"Quan hệ đối tác an ninh AUKUS chứng tỏ cần thêm cách tiếp cận chung của EU trong khu vực có lợi ích chiến lược", Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, đăng trên Twitter ngày 16/9.
Michel cho biết lãnh đạo các quốc gia EU sẽ thảo luận về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh dự kiến diễn ra vào tháng 10.
Liên minh AUKUS và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU được công bố trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc với các nước phương Tây. Trung Quốc tăng quy mô hạm đội hải quân và tiếp tục xây dựng tiền đồn quân sự trên các thực thể tại Biển Đông mà nước này bồi đắp trái phép.
Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền phi lý với phần lớn diện tích Biển Đông, khiến nhiều quốc gia bày tỏ quan ngại khi tuyến hàng hải quan trọng đi qua khu vực này mỗi năm vận chuyển lượng hàng hóa đáng kể.
Nguyễn Tiến (Theo DW)