Với những bình luận ngày càng quyết liệt về vấn đề Đài Loan, một thỏa thuận mới nhằm cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Australia và việc châu Âu khởi động chiến lược nhằm tham gia sâu hơn vào tình hình khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ và các đồng minh đang quyết đoán hơn trong cách tiếp cận đối với Trung Quốc.
Bắc Kinh đã bực bội trước những động thái này. Căng thẳng không ngừng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hồi cuối tuần qua phải kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sửa chữa mối quan hệ "hoàn toàn rối loạn" giữa hai nước, cảnh báo về nguy cơ chia rẽ thế giới.
Khi phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khai mạc hôm 21/9, cả hai lãnh đạo đều chọn ngôn ngữ mềm mỏng. Tổng thống Biden khẳng định Mỹ "không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hay một thế giới bị chia thành các khối cứng nhắc" còn Chủ tịch Tập tuyên bố trước diễn đàn rằng Trung Quốc "không bao giờ tìm kiếm bá quyền".
Tuy nhiên, các vấn đề cơ bản vẫn không thay đổi. Trung Quốc không ngừng gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế trong khi Mỹ cùng đồng minh ngày càng thể hiện rõ quan điểm ủng hộ Đài Loan và tăng cường hợp tác quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, có thể bằng vũ lực nếu cần thiết.
Ngày 24/9, Tổng thống Mỹ Biden sẽ tổ chức đối thoại an ninh với ba thành viên còn lại trong nhóm Bộ Tứ, gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Chủ đề thảo luận tập trung vào đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu. Câu hỏi làm thế nào để giữ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khu vực rộng lớn trải dài từ Ấn Độ đến Australia, "tự do và cởi mở", cũng sẽ được các lãnh đạo bàn bạc, theo Nhà Trắng.
Động thái này diễn ra hơn một tuần sau thông báo bất ngờ rằng Australia sẽ hủy hợp đồng đóng các tàu ngầm truyền thống trị giá hàng chục tỷ USD ký với Pháp để chuyển sang đóng tàu ngầm hạt nhân nhờ công nghệ chuyển giao từ Mỹ và Anh. Đây là một "quả bom" làm lu mờ bản chiến lược mới được công bố của Liên minh châu Âu (EU) nhằm thúc đẩy những mối quan hệ quốc phòng và chính trị ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Một điều chắc chắn là tất cả mọi người đều đang hướng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Garima Mohan, chuyên gia về châu Á tại Quỹ German Marshall, cho hay. Tuy nhiên, khi Mỹ và đồng minh theo đuổi các hành động phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của riêng từng nước, những diễn biến tuần qua đã cho thấy sự thiếu phối hợp rõ ràng giữa họ.
"Không phải tất cả mọi người đều có đánh giá rủi ro về Trung Quốc giống nhau", bà nói.
Chính sách của EU nhấn mạnh vào nỗ lực đối thoại với Bắc Kinh và khuyến khích "Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, phát triển", đồng thời đề xuất "tăng cường hiện diện hải quân" và mở rộng hợp tác an ninh với các đối tác khu vực.
Chính sách cũng lưu ý rằng việc Trung Quốc tăng cường xây dựng quân sự cùng "phô trương sức mạnh và làm gia tăng căng thẳng ở các điểm nóng khu vực như biển Hoa Đông, Biển Đông hay eo biển Đài Loan, có thể tác động trực tiếp đến an ninh và thịnh vượng của châu Âu".
Đức, nước có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, đã nhận được một hồi chuông cảnh tỉnh hồi tuần trước khi Trung Quốc từ chối cho tàu chiến Bavaria của nước này cập càng. Tàu Bavaria đang tham gia các cuộc diễn tập ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Các nước EU khác, đặc biệt là Pháp, cũng đã gửi khí tài hải quân đến tập trận ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Anh đã điều một nhóm tàu sân bay tiến hành các cuộc tập trận trong vài tháng Khi London theo đuổi hướng đi mới đối với khu vực.
Sau khi từ chối yêu cầu cập cảng từ Đức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này vẫn "sẵn sàng thực hiện các hoạt động trao đổi hữu nghị với Đức trên cơ sở tôn trọng và tin cậy lẫn nhau", song nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không hài lòng trước tình trạng gia tăng hiện diện hải quân trong khu vực.
Trung Quốc tỏ ra không dè dặt khi đưa ra phản ứng về thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân Australia, gọi đây là hành động "vô trách nhiệm" và cảnh báo nó sẽ "gây tổn hại nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định ở khu vực".
Để ký hợp đồng với Mỹ và Anh, Australia đã hủy thỏa thuận chế tạo tàu ngầm động cơ điện - diesel với Pháp trị giá 66 tỷ USD, khiến Paris giận dữ. Dù Pháp thể hiện thái độ không hài lòng rõ ràng, nhiều nhà quan sát cho rằng phản ứng này chủ yếu nhằm xoa dịu người dân trong nước khi Tổng thống Emmanuel Macron sẽ đối mặt thách thức tái tranh cử vào đầu năm tới.
Nhưng theo Laurence Nardon, chuyên gia tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, việc Mỹ phớt lờ sự tham gia của Pháp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng cách không thông báo trước cho Paris về thỏa thuận tàu ngầm thực sự gây thất vọng.
"Có cách để làm điều này mà vẫn giữ được các đồng minh châu Âu bên cạnh", bà nói. "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng quan trọng với EU".
Trong cuộc điện đàm tối 22/9 với người đồng cấp Pháp Macron, Tổng thống Mỹ Biden tái khẳng định "vai trò chiến lược quan trọng của Pháp và châu Âu tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Không chỉ phục vụ mục tiêu theo đuổi tàu ngầm hạt nhân, thỏa thuận mới nhất còn là dấu hiệu cho thấy Australia cam kết đứng về phía Mỹ lâu dài trong chính sách đối phó với Trung Quốc, Euan Graham, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (SCIS) ở Singapore, đánh giá.
Thỏa thuận tàu ngầm còn tiềm ẩn nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Canberra và Bắc Kinh. Australia đang hy vọng có thể đạt được thỏa thuận thương mại tự do với đối tác Ấn Độ, một thành viên nhóm Bộ Tứ, nhằm bù đắp các tác động kinh tế.
Chiến lược mới của châu Âu sẽ mất thời gian để thực hiện nhưng nó cho thấy rõ ràng cách EU chuẩn bị để hợp tác với Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực, điều mà trước đây còn thiếu.
"Mỹ đang không rõ lý do tại sao châu Âu quan tâm đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và chính xác họ muốn đóng vai trò gì", Mohan nhận định. "Cũng có những mơ hồ ở châu Âu về cách tiếp cận của Mỹ".
Trong phác thảo chiến lược, EU hướng tới tập hợp nhiều nguồn lực lại với nhau để tạo ra hiệu quả cao và hợp tác chặt chẽ hơn với nhóm Bộ Tứ, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng các tổ chức khác.
EU cũng dự kiến tăng cường các hoạt động hiện tại, như sứ mệnh chống cướp biển Atalanta ngoài khơi vùng Sừng châu Phi và ở phía tây Ấn Độ Dương hay thúc đẩy hơn nữa sứ mệnh an ninh và an toàn hàng hải ở Ấn Độ Dương, vốn đã được mở rộng đến Đông Nam Á.
"Châu Âu đánh giá rất thực tế về những gì họ có thể và không thể làm trong khu vực", Mohan nhận xét. "Họ hướng tới đảm bảo các nguồn lực và chi tiêu được sử dụng đúng cách và có tác động cụ thể".
Vũ Hoàng (Theo AP)