Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin ngày 2/2 công bố thỏa thuận với Philippines cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự tại quốc gia Đông Nam Á này. Ông Austin gọi đây là "thỏa thuận lớn" giúp Mỹ tăng hiện diện quân sự ở Philippines, dù đây không phải là các căn cứ đồn trú lâu dài.
Thỏa thuận này cho phép Mỹ triển khai lực lượng luân phiên ở Philippines, trong đó có đảo Luzon, nơi bao quát hai khu vực quan trọng chiến lược là eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Binh sĩ Mỹ tham gia diễn tập chung Kamadag 6 với quân đội Philippines tại căn cứ không quân Ernesto Rabina ở tỉnh Tarlac tháng 10/2022. Ảnh: USMC.
Các quan chức cho biết hàng nghìn binh sĩ Mỹ thường xuyên được luân chuyển đến Philippines, để đảm bảo luôn có ít nhất 500 quân nhân hiện diện ở nước này vào bất kỳ thời điểm nào. Họ thực hiện các cuộc diễn tập quân sự, viện trợ nhân đạo hoặc huấn luyện và nhiệm vụ khác.
Philippines trước đây cho phép binh sĩ Mỹ đóng quân tại 5 căn cứ được chỉ định. Với thỏa thuận mới, lính Mỹ giờ đây sẽ có quyền tiếp cận 9 căn cứ quân sự của Philippines.
Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Philippines Carlito Galvez Jr. ở Manila, ông Austin nhận định những nỗ lực củng cố liên minh quân sự giữa hai nước "đặc biệt quan trọng khi Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các yêu sách phi pháp" ở Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh sau đó chỉ trích Mỹ "theo đuổi chương trình nghị sự ích kỷ" với thỏa thuận quân sự mới cùng Philippines, gọi đây là "hành vi làm leo thang căng thẳng, gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực".
Tuy nhiên, đây chỉ là một phần trong hoạt động mở rộng hợp tác quân sự của Mỹ tại các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương, trải dài từ Nhật Bản đến Quần đảo Solomon, tất cả đều nằm quanh Trung Quốc và liên quan tới những vị trí trọng yếu gần eo biển Đài Loan, Biển Đông.
Theo bình luận viên Lotita Baldor của AP, đây là những động thái của Mỹ nhằm tăng khả năng răn đe Trung Quốc, cũng như trấn an các đồng minh trong khu vực về cam kết của Washington.

Tiêm kích F-16 của Mỹ và F-15K Hàn Quốc bay theo đội hình trong diễn tập tháng 10/2022. Ảnh: USPACOM.
Tại Nhật Bản, Washington hồi tháng 1 đồng ý điều chỉnh hiện diện của quân đội Mỹ trên đảo Okinawa nhằm "tăng cường năng lực chống hạm cần thiết để đề phòng trường hợp xung đột nổ ra ở đảo Đài Loan hoặc Trung Quốc thực hiện các hoạt động thù địch khác ở biển Hoa Đông và Biển Đông".
Hai bên cũng bổ sung đề cập về yếu tố "không gian vũ trụ" trong hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật Bản, tuyên bố "các cuộc tấn công đến, từ và trong vũ trụ" đều có thể kích hoạt những điều khoản phòng thủ chung.
Nhật Bản thông báo sẽ xây dựng hai đường băng trên đảo Megeshima ở phía nam, nơi dự kiến tổ chức các cuộc diễn tập chung, huấn luyện đổ bộ và đánh chặn tên lửa cùng Mỹ trong khoảng 4 năm tới.
Đảo Megeshima có thể trở thành điểm tập kết quân và đạn dược trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp như xung đột tại eo biển Đài Loan bùng nổ.
Mỹ sẽ tái cấu trúc trung đoàn thủy quân lục chiến số 12 tại Okinawa thành đơn vị có quy mô nhỏ hơn, linh hoạt hơn và được trang bị tốt hơn để có thể chiến đấu và bảo vệ Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan tham gia tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản tháng 9/2022. Ảnh: US Navy.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuần này cũng mở đại sứ quán tại Quần đảo Solomon, động thái được đánh giá là "nỗ lực trực tiếp nhằm ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc" tại quốc đảo Thái Bình Dương.
Mỹ từng mở đại sứ quán tại Quần đảo Solomon, song đóng cửa cơ quan này năm 1993 trong đợt cắt giảm cơ quan ngoại giao. Tuy nhiên, giới chức Mỹ ngày càng lo ngại khả năng quan hệ với Quần đảo Solomon suy yếu, trong khi Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở khu vực.
Quần đảo Solomon năm 2019 cắt quan hệ với đảo Đài Loan và ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc vào năm 2022. Giới chức Mỹ lo ngại hiệp ước an ninh này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc tăng hiện diện quân sự trong khu vực, bất chấp Quần đảo Solomon tuyên bố không cho Trung Quốc đặt căn cứ quân sự.
Căng thẳng gia tăng với Trung Quốc và đồng minh thân cận với nước này là Triều Tiên được cho là một trong những nguyên nhân thúc đẩy Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin ngày 31/1 tuyên bố Mỹ sẽ triển khai thêm khí tài tiên tiến đến Hàn Quốc, trong đó có tiêm kích và tàu sân bay, để tăng cường huấn luyện và lập kế hoạch chung.
Ông Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-Sup đồng ý mở rộng các cuộc diễn tập chung, trong đó có nhiều hoạt động huấn luyện bắn đạn thật.
Hai bộ trưởng cũng thảo luận về chuẩn bị diễn tập chung trên sa bàn vào tháng 2 nhằm tăng cường năng lực phản ứng của Mỹ và Hàn Quốc trong trường hợp Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân. Trung Quốc từng nhiều lần bày tỏ tức giận khi Mỹ tăng cường hợp tác quân sự với Hàn Quốc, đặc biệt là các tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD được triển khai ở nước này.
Bắc Kinh lo ngại THAAD với hệ thống radar tầm xa mạnh mẽ có thể thực hiện hoạt động do thám sâu bên trong lãnh thổ Trung Quốc khi được bố trí ở Hàn Quốc.
Trung Quốc chưa bình luận về việc Mỹ - Hàn tăng cường diễn tập chung, trong khi Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đáp trả các động thái quân sự của Mỹ bằng "lực lượng hạt nhân áp đảo nhất". Triều Tiên cho biết Mỹ và đồng minh mở rộng các cuộc diễn tập quân sự trong khu vực đang "đẩy căng thẳng đến lằn ranh đỏ cực đoan".
Nguyễn Tiến (Theo AP)