Gần 5 tháng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Ngoại trưởng Antony Blinken vẫn giữ lập trường không liên lạc với Moskva. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ không tổ chức bất kỳ cuộc gặp hay điện đàm nào với các quan chức cấp cao Nga trong suốt thời gian đó.
Chiến thuật này tiếp tục được Blinken duy trì trong hội nghị bộ trưởng ngoại giao G20 tại Indonesia cuối tuần qua, nơi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đôi lần ngồi chung phòng với ông.
"Vấn đề ở đây là chúng tôi không thấy có bất kỳ dấu hiệu nào về việc Nga sẵn sàng tham gia các hoạt động ngoại giao có ý nghĩa", ông Blinken nói tại một buổi họp báo hôm 9/7, giải thích về chiến thuật không liên lạc của mình.
Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu cảnh báo rằng tình trạng mất kết nối với Nga là một sai lầm, bởi Mỹ có nhiều lợi ích liên quan tới nước này. Xung đột Ukraine đã khiến nhiều người thương vong, đẩy giá lương thực và năng lượng toàn cầu tăng vọt, đồng thời khiến căng thẳng quân sự giữa Nga và NATO leo thang. Mỹ cũng đang cố gắng đưa những công dân bị bắt ở Nga trở về, gồm ngôi sao bóng rổ Brittney Grine và cựu binh Paul Whelan.
"Thay vì né tránh, bước đầu tiên Mỹ nên làm là mở kênh liên lạc để có thể đánh giá những gì mà đối thủ đang tìm kiếm. Bạn không thể biết trừ khi bạn thử", Tom Shannon, cựu quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ, nói.
Ngoại trưởng Blinken đã không nói chuyện với ông Lavrov kể từ tháng 1 và cũng không gặp người đồng cấp Nga trong khuôn khổ hội nghị G20 ở Bali. Ông tiếp tục duy trì thái độ tránh né, ngay cả khi Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, nước chủ nhà G20, kêu gọi các nhà ngoại giao thảo luận với nhau để tìm giải pháp cho xung đột Ukraine.
"Trách nhiệm của chúng ta là chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt và giải quyết những bất đồng trên bàn đàm phán, thay vì chiến trường", bà Marsudi nói.
Các quan chức Mỹ đưa ra một số lý do để không đối thoại với Nga. Họ cho rằng động thái này là không phù hợp khi Nga vẫn tiến hành các hoạt động quân sự khốc liệt ở Ukraine, đồng thời hoài nghi rằng nỗ lực đối thoại sẽ thất bại như những gì Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel gặp phải.
"Một số nước khác đã kết nối với Nga trong những tháng gần đây và họ đều đưa ra một kết luận tương tự: không có dấu hiệu cho thấy Nga sẵn sàng tham gia vào con đường ngoại giao", ông Blinken nói.
Nhưng các chuyên gia cho rằng cuộc gặp trực tiếp giữa ngoại trưởng Mỹ và Nga có tầm quan trọng hơn rất nhiều so với nỗ lực kết nối của các nước châu Âu hay Thổ Nhĩ Kỳ.
"Nếu Mỹ không có mặt, người Nga sẽ xem đó là cuộc thảo luận không nghiêm túc. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên, bởi Mỹ là bên cung cấp phần lớn hỗ trợ cho Ukraine và là lãnh đạo liên minh phương Tây", Jeremy Shapiro, học giả châu Âu và cựu quan chức trong chính quyền tổng thống Barack Obama, nói.
Shannon thêm rằng những thay đổi trong xung đột Ukraine có thể mở ra nhiều cơ hội ngoại giao. Mỹ cần phải tìm hiểu xem Nga có thực sự mong muốn tìm kiếm một giải pháp ngoại giao giữa lúc căng thẳng leo thang hay không.
"Những gì đã xảy ra là chúng tôi đã bỏ lỡ khoảng thời gian quan trọng", ông nói.
Trong nhiều cuộc khủng hoảng trước đây, Mỹ luôn duy trì kênh liên lạc, thảo luận với Nga. Một tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Gruzia năm 2008, ngoại trưởng Condoleezza Rice đã gặp ông Lavrov bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. John Kerry, ngoại trưởng của tổng thống Barack Obama, đã thường xuyên nói chuyện với ông Lavrov sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
"Công việc của ngoại trưởng là nói chuyện với cả bằng hữu và đối thủ để tìm hiểu những gì có thể làm thông qua đàm phán", Shapiro nói.
Một số quan chức Mỹ cho rằng ông Lavrov không phải đối tác đàm phán quan trọng, nhưng nhiều chuyên gia nhận định những người có tư duy này đang không hiểu đúng về mục đích của đàm phán.
"Ông Lavrov không phải là người ra quyết định, nhưng ông ấy thể hiện quan điểm của Điện Kremlin. Bạn không gặp ông Lavrov để chốt thỏa thuận, nhưng nếu muốn hiểu quan điểm của Nga hoặc gửi thông điệp kín đáo cho Tổng thống Vladimir Putin, ông ấy chính là người bạn cần", Shapiro nói.
Sự thất vọng của Nga khi bị loại khỏi các cuộc thảo luận dường như rất rõ ràng, dù giới chức ở Moskva từ chối thừa nhận. Tháng trước, đại sứ Nga ở Mỹ Anatoly Antonov đã than vãn về tình trạng mất kết nối với quan chức Mỹ khi dùng bữa tại một nhà hàng nổi tiếng ở Washington, theo một phóng viên của Politico.
Tại Indonesia, Ngoại trưởng Nga Lavrov bác bỏ quan điểm rằng ông thất vọng về việc thiếu kết nối với Mỹ, nhưng nói rõ rằng thực tế này nằm ngoài tầm kiểm soát của ông. "Không phải chúng tôi đã từ bỏ tất cả các kênh liên lạc, mà đó là Mỹ. Chúng tôi không chạy theo ai để đề xuất các cuộc gặp. Nếu họ không muốn trao đổi, đó là lựa chọn của họ", ông tuyên bố.
Dù hàng loạt quốc gia tại G20 ủng hộ đối thoại, nhiều người đổ lỗi cho Nga vì phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine và làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực, năng lượng trên toàn cầu.
Những bất đồng này đã khiến hội nghị G20 kết thúc mà không có tuyên bố chung. Sự kiện chụp ảnh chung giữa các ngoại trưởng, một dấu ấn khác của các hội nghị G20, cũng bị hủy do các nước bất đồng quan điểm.
Những người ủng hộ kết nối với Nga thừa nhận rằng không thể đảm bảo Điện Kremlin sẽ tìm cách chấm dứt cuộc chiến, đặc biệt khi lợi thế trên chiến trường miền đông đang nghiêng về Moskva sau khi họ chiếm được toàn bộ tỉnh Lugansk.
Dù ông Blinken lạnh nhạt với Nga, một số quan chức khác của Mỹ vẫn có những cuộc trao đổi nhỏ với Moskva. Hồi tháng 3, cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan đã điện đàm với người đồng cấp Nga Nikolai Patrushev. Hồi tháng 5, tướng Mark Milley và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng điện đàm với những người đồng cấp Nga về vấn đề an ninh. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận như vậy chỉ diễn ra trong phạm vi quân sự và không phải là đàm phán kết thúc xung đột.
Ngoại trưởng Blinken, người thường ủng hộ sức mạnh ngoại giao, cho biết sẽ chớp lấy cơ hội đối thoại nếu cảm nhận được sự chân thành của Nga. "Nếu chúng tôi thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga sẵn sàng tham gia vào con đường ngoại giao và chấm dứt cuộc chiến, chúng tôi cũng sẽ tham gia", ông nói cuối tuần qua.
Nhưng giới phân tích cho rằng chỉ có một cách duy nhất để tìm hiểu điều đó. "Nguyên tắc cơ bản trong đàm phán quốc tế là bạn không thể hiện dấu hiệu thỏa hiệp trước khi ngồi vào bàn đàm phán. Bạn không đưa ra nhượng bộ trước khi bắt đầu đàm phán", Shapiro nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)